Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh thiết tha đề nghị các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn "nạn chặt chém" du khách và những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Việt.
Tâm tư của người chịu trách nhiệm về ngành Du lịch Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. |
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) bức xúc: Tại sao du khách quốc tế đến Việt Nam không bằng một số nước trong khu vực và 6 tháng đầu năm còn giảm 12,2%, trong khi đất nước ta nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội tốt, người Việt Nam thân thiện hiếu khách. Vậy có phải do kinh doanh du lịch chụp giật, chặt chém gây nên?
Đại biểu Đương nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng biện pháp lành mạnh hóa môi trường du lịch là cần thiết”.
Trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thời gian qua, chính quyền các địa phương, đặc biệt tại các những vùng du lịch trọng điểm, đã vào cuộc hết sức quyết liệt để xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, hấp dẫn.
Đơn cử, Lào Cai đã phạt 8 khách sạn vì công bố giá khách sạn 3 sao cao nhất lên tới 46 triệu đồng/đêm. Đà Nẵng đã phạt 6 khách sạn và 1 tàu du lịch vì nâng giá, găm phòng dịp nghỉ lễ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tại quán Hào Long Sơn, do 1 bữa ăn khách phải trả 22 triệu đồng nên chủ quán đã bị xử lý về tội "chặt chém" khách và quán này bị đưa vào "danh sách đen" với khuyến cáo khách du lịch không nên đến. Quán Hào Long Sơn cũng bị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh. Tại Quảng Bình có khách sạn bị buộc phải trả lại tiền cho khách du lịch vì tự ý nâng giá quá mức niêm yết.
“Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), tháng 6/2013, chúng tôi đã trực tiếp vào kiểm tra và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Sau 2 năm, tôi xuống kiểm tra thấy Sầm Sơn có nhiều tiến bộ, học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng và Hội An, niêm yết giá công khai một ký mực bao nhiêu, một ký tôm bao nhiêu, hàng tươi sống thế nào? Tất cả cái đó mình đã làm được. Chúng tôi đề nghị trong công cuộc phát triển du lịch Việt Nam cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Từ câu chuyện ngăn chặn “nạn chặt chém”, nhiều đại biểu đề nghị phải tiếp tục nhìn thẳng vào những nguyên nhân chủ quan đang cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam để có câu trả lời thỏa đáng như: Thủ tục nhập cảnh còn chưa thông thoáng, cơ sở hạ tầng dịch vụ vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu của khách, giá cả dịch vụ du lịch còn cao, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp...
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: Chúng ta rất tự hào khi các tạp chí hàng đầu thế giới ca ngợi du lịch Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế về du lịch, nhiều tạp chí, trang web du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn, đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới. Hà Nội là một trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới. Vịnh Hạ Long là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới, thám hiểm Sơn Đoòng là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014. Intercontinental Đà Nẵng được bình chọn là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới,...
Chúng ta nói điều đó để quay lại câu chuyện tiềm năng, thế mạnh như vậy, nhưng điều gì đang đến tăng trưởng của du lịch Việt Nam? Như chúng tôi đã nói, ngoài miễn thị thực đơn phương, ngoài quỹ phát triển du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn còn là việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn du lịch./.