Ngày mai (12/2), Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2014 sẽ chính thức khai mạc tại khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hiện tỉnh Thái Bình đang làm hồ sơ đệ trình Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
dentran1.jpg
Công tác chuẩn bị khai hội đền Trần Thái Bình năm 2014 đang được thực hiện khẩn trương (Ảnh: Lao động)

Để đảm bảo an toàn cho việc tổ chức lễ hội năm nay, Ban tổ chức lễ hội đã hoàn tất phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho du khách suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Chuyên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà - Trưởng ban chỉ đạo lễ hội đền Trần Thái Bình.PV: Xin ông cho biết những nét mới của lễ hội đền Trần năm nay tại Thái Bình?

Ông Nguyễn Hồng Chuyên: Lễ hội đền Trần năm nay có 2 nét mới. Thứ  nhất, khai mạc lễ hội Đền Trần gắn với công bố chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về lễ hội đền Trần Thái Bình là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Có thể nói đây là một trong số ít các lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thứ 2, lễ hội năm nay tụ hội rất nhiều các di sản phi vật thể như lễ rước nước, lễ giao chạ, lễ thi câu cá thời Trần, thi vật lầu, thi gói bánh chưng, rồi các hoạt động trò chơi dân gian và dân ca, dân vũ của thời Trần được tái hiện trong lễ hội năm nay.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà - Trưởng ban chỉ đạo lễ hội đền Trần Thái Bình

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy Ban tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình đã thực hiện chỉ thị này như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Chuyên: Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, chúng tôi vẫn tổ chức lễ hội đền Trần với một phương châm chỉ đạo là tiết kiệm, an toàn và mang nặng màu sắc văn hóa, không có bất cứ hoạt động gì mang tính chất thương mại.

Hàng năm, tất cả các lễ hội diễn ra rất văn minh và lịch sự hầu như chỉ tái hiện lại hoạt động của lễ hội dân gian, các trò chơi dân gian và các nghi thức phong tục tín ngưỡng dân gian. Do không mang yếu tố thương mại nên hầu hết các lễ hội không chèo kéo khách, không có ăn xin, không có móc túi, không có bất cứ hoạt động tiêu cực nào trong lễ hội. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn cảnh giác và luôn luôn tổ chức đoàn thanh tra đặc biệt để luôn luôn duy trì được nếp sống văn hóa lễ hội trên toàn huyện.

PV: BTC lễ hội có những biện pháp đặc biệt nào để “trị” nạn “chặt chém”, "móc túi" tại lễ hội?

Ông Nguyễn Hồng Chuyên:Chúng tôi vẫn luôn đề phòng và cảnh giác những tệ nạn du nhập từ nơi khác đến. Vì vậy, cùng với lực lượng cảnh sát, lực lượng thanh tra chuyên ngành, chúng tôi vẫn có lực lượng “chìm” để nắm bắt sâu hơn nếu như có hiện tượng tiêu cực để phát hiện và xử lý kịp thời. Sẽ có tổ thanh tra đặc biệt với trang phục bình thường cho tất cả các hoạt động./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.