Có lẽ chưa có kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nào lượng khách lại tăng đột biến như năm nay. Nhà nhà, người người rủ nhau đi du lịch, các phương tiện vận chuyển hoạt động hết công suất mà vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Đó là điều đáng mừng.
Không phải vì kỳ nghỉ dài, mà căn bản là kinh tế trong nước đã phục hồi, người dân có điều kiện nghĩ đến chuyện vui chơi, nghỉ dưỡng. Ngành du lịch cũng đã vươn lên, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của du khách. Thế nhưng lượng khách nội địa tăng đột biến mấy ngày qua cho thấy những bất cập tồn tại đã lâu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thành phố biển Nha Trang được qui hoạch bài bản là vậy mà những ngày lễ vừa rồi, con đường ven biển vẫn bị ùn ứ du khách từ sáng đến tối. Tương tự, đường từ thành phố Thanh Hóa về bãi biển Sầm Sơn trong ngày 30/4-1/5, các phương tiện phải nhích từng tí một; phố cổ Hội An du khách chen chúc nhau trên từng con phố. Không chỉ hạ tầng giao thông, mà hạ tầng du lịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dịp nghỉ lễ. Khách sạn nhà nghỉ ở Sa Pa, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc… không nơi nào còn phòng trống. Thậm chí tại Sa Pa, nhiều du khách phải ngủ lều bạt.
Song nhức nhối nhất vẫn là cách làm du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì”, "cả năm mài dao, vài ngày cắt cổ". Rút kinh nghiệm, nhiều du khách đã đặt trước phòng nghỉ, quán ăn vào những ngày cao điểm để tránh bị ép giá. Thế nhưng, đến Sa Pa, có người vẫn phải trả thêm tiền mới lấy được phòng, giá phòng tăng gấp 3- 4 lần ngày thường.
Nhà hàng, quán ăn cũng tranh thủ móc túi "thượng đế", có công ty du lịch tăng giá vé bán cho khách đi tour dù tàu không tăng giá vé, các đại lý du lịch thì nâng giá vé vận chuyển cao gần gấp đôi rồi bán lại cho nhà xe kiếm lời.
Giá cả tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại không tương xứng, phòng ở không có nước nóng, ti vi cũ kỹ, tậm tịt; bữa sáng, khách sạn cho gì thì khách phải ăn nấy mà không có quyền lựa chọn. Đáng tiếc là tình trạng này năm nào cũng xảy ra nhưng phản ứng của chính quyền địa phương và Hiệp hội du lịch xem ra còn rất yếu ớt và bị động.
Đi du lịch để được nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe, cũng là để được trải nghiệm cuộc sống, mở mang tri thức nhưng lại bị làm phiền, phải mua bực bội vào người thì du lịch còn gì ý nghĩa.
Mỗi năm có khoảng 5 triệu người Việt Nam ra nước ngoài du lịch, chi tiêu khoảng 6 tỉ USD. Nếu không cải thiện môi trường và văn hóa kinh doanh, không kiên quyết dẹp bỏ nạn kinh doanh "mùa vụ" để giữ chân du khách, thiệt hại đầu tiên chính là ngành du lịch, thứ đến là quyền lợi và hình ảnh quốc gia.
Thay vì tìm cách nâng giá để tận thu, hãy nghĩ cách làm đẹp mình trong mắt du khách bằng những hành động thân thiện hơn, văn hóa hơn. Vì sao người dân Hội An không “chặt chém” du khách? Vì sao nhiều người dân Đà Nẵng tham gia chiến dịch “Thoải mái như ở nhà”, xã hội hóa vấn đề vệ sinh công cộng, giúp du khách không phải khổ sở vì thiếu nơi giải quyết nhu cầu sinh hoạt cá nhân; Vì sao người dân huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi sẵn sàng mở cửa đón khách vào nhà ở tạm khi hệ thống khách sạn, nhà trọ quá tải trong dịp 30/4, 1/5 vừa rồi? Cử chỉ ấy là gì nếu không nói là để mỗi người, mỗi nhà đẹp hơn trong mắt du khách!
Ngành du lịch đang ráo riết kêu gọi “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Xin hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như người dân Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn đã làm. Họ không chỉ biết nhặt rác để môi trường kinh doanh du lịch sạch hơn, văn minh hơn./.