“Đánh gậy bản quyền” vô tội vạ trên Youtube

Mới đây, vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son bị tố vi phạm bản quyền ca khúc do chính cô sáng tác đã khiến cả giới nhạc dậy sóng. Theo đó, khi đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” lên kênh Youtube mang tên “Giáng Sol Offical” thì bất ngờ bài hát bị tố vi phạm bản quyền từ công ty BH Media.

Nhạc sĩ Giáng Son cho biết: "Tôi mới lập kênh Youtube để đưa tất cả các bài hát của mình lên chia sẻ với mọi người. Vì biết Youtube dạo này làm rất chặt về bản quyền nên tôi đã rất cẩn thận đưa bài 'Giấc mơ trưa' do tôi sản xuất trong album 'Giáng Son' (2007) lên trước. Tức là mọi bản phối, bản audio đều là của riêng tôi. Đưa lên mấy ngày thì có thông báo bài hát của tôi vi phạm bản quyền từ một công ty tên là BH Media. Tôi vô cùng sốc!".

Tìm hiểu thêm, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) đã từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" để đi diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Audio Video phát hành. CD này sau đó đã được BH Media mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube. Dù vậy, đây là 2 bản phối khác nhau và BH Media không hề có quyền gì với bản phối của Giáng Son.

Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định: “Tôi không hề ký độc quyền ca khúc cho bất kỳ ai hay bên nào, càng không hề ký với Hồ Gươm Audio Video và BH Media. Tôi là chủ sở hữu, là mẹ đẻ của 'Giấc mơ trưa' mà còn bị đòi bản quyền thì thật không hiểu ra sao".

Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son không phải là trường hợp duy nhất bị tố vi phạm bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác. Trước đó, có nhiều ca khúc bị "đánh bản quyền" vô tội vạ trên Youtube, ví dụ như trường hợp ca khúc "Thằng bờm" của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, "Việt Nam đạo Phật một niềm tin" của nhạc sĩ Tiến Mạnh, 2 album của ca sĩ Hồng Vy...

Nhạc sĩ Minh Châu cũng rất bức xúc khi bị rơi vào trường hợp tương tự như Giáng Son: “Tôi cũng từng bị BH Media cảnh báo bản quyền đối với những tác phẩm của mình. Cảm giác bị xúc phạm khi tác phẩm của mình bị người ta nhận vơ và bảo mình ăn cắp. Ngay sau khi tôi phản ứng, đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên Youtube, nhưng tôi nghĩ, đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có 37 ca khúc bị cho là vi phạm bản quyền: “Vừa rồi, tôi cần lấy một ca khúc từ kênh Youtube cá nhân để làm việc thì bị báo là vi phạm bản quyền 37 video. Những video đó đa phần là của tôi: tôi sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, thậm chí thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho VCPMC. Vậy mà các video này bị BH Media và một vài trang khác nhận xằng là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người sáng tạo”.

Xâm phạm quyền tác giả khó lường trên môi trường nhạc số

Thời đại 4.0, khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đại chúng đa phần chuyển đổi từ môi trường truyền thống (băng đĩa, đài phát thanh, sân khấu...) sang môi trường nhạc số thì việc kiểm soát những chiêu trò xâm phạm quyền tác giả ngày càng khó lường. Các chiêu trò ngày càng tinh vi hơn như đánh tráo khái niệm, lách luật để xâm phạm bản quyền... mà nếu không rành rẽ về luật pháp, cũng như có kiến thức về công nghệ thì rất dễ nhận “quả đắng”.

Đặc biệt là trên Youtube, nơi các video được đăng tải tràn lan, công khai thì việc kiểm tra, đối chiếu bản quyền lại càng khó hơn.

Trong trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son, Youtube phát hiện ra có nội dung trùng khớp (có thể chỉ giống nhau vài % nhất định) với video mà BH Media đã đăng ký quyền sở hữu trước đó thì hệ thống sẽ tự động gửi thông báo cho chủ kênh (cụ thể là Giáng Son) về việc vi phạm bản quyền.

Bản thân Youtube không biết được ai mới là chủ sở hữu thực sự của tác phẩm cũng như không có quyền phán xử nếu xảy ra tranh chấp. Do vậy, dẫn đến hàng loạt đơn vị/kênh Youtube “nhanh tay” đăng ký quyền sở hữu trước (dù có thể không phải chủ sở hữu hay được quyền khai thác tác phẩm). Sau này, các tác giả mới đăng tải những “đứa con” của mình thì bị đánh bản quyền.

Hay có những trường hợp, nhạc sĩ bị cướp bản quyền trắng trợn ngay trên Youtube như nhạc sĩ Lã Văn Cường. Ông cho biết khoảng hơn 30 tác phẩm của ông đang bị xâm phạm trên Youtube: “Tôi thực sự sốc vì tất cả những bài đó tôi bỏ tiền thu âm, phối khí, ghi hình và cả ca sĩ hát. Thậm chí có bài tôi ký với Hãng Phim Trẻ để sản xuất phát hành, có hợp đồng đàng hoàng cũng bị người ta cướp mất. Khi đưa lên mạng thì họ sửa cả tên tác giả, tên ca sĩ và thậm chí ghi tác giả đã mất. Tôi ngạc nhiên vô cùng!

Đĩa Hồng Nhung hát tác phẩm của tôi thì ghi là Tuyệt phẩm Trịnh Công Sơn. Khi tôi khiếu nại thì BH Media trả lời tôi rằng Làng Văn có toàn quyền sở hữu tác phẩm của tôi mà tôi đâu có ký với Làng Văn. Khi tôi yêu cầu họ đưa hợp đồng ra đối chứng thì họ không đưa ra được”.

Một trường hợp khác là việc có đơn vị mua hoặc được ủy quyền khai thác một số lượng tác phẩm nhất định, nhưng sau đó lại tuyên bố có quyền với tất cả bản ghi và đăng ký độc quyền với Youtube.

Về vấn đề này, nhạc sĩ Minh Châu cho biết: “Tôi nghĩ, đây là hiện trạng chung của nhiều nhà khai thác nội dung trên nền tảng Internet. Họ đã cố ý gian dối ngay từ đầu, nên không chỉ tác giả mà nhiều đơn vị khác khi khai thác sử dụng tác phẩm cũng bị cho là xâm phạm quyền. Trên Youtube có nhiều kẻ “ăn cắp” nhưng Youtube là một nền tảng béo bở mà nhiều người kiếm được tiền trên đó nên nhiều kẻ cố tình xâm phạm. Còn những nhạc sĩ không biết về công nghệ thì chịu rất nhiều thiệt thòi. Gian thương trong kinh doanh bản thu âm, ghi hình trên nền tảng mạng ở Việt Nam rất nhiều”.

Hiện tại, nhiều nhạc sĩ như Giáng Son, Lã Văn Cường hay Mạnh Cường đều đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để lấy lại sự công bằng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các tác giả với các tác phẩm bị xâm hại quyền./.