Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số diễn ra với những “chiêu trò” khó lường. Nhiều nhạc sĩ đã gay gắt lên tiếng về những hành vi ứng xử không minh bạch, thậm chí thiếu văn hóa khi đã dùng những chiêu thức đánh tráo khái niệm, chỉnh sửa hợp đồng để lừa dối nhạc sĩ ký vào những hợp đồng không rõ ràng.
Mới đây, hàng loạt nhạc sĩ như Thanh Tùng, Hoàng Sông Hương, Bảo Chấn... đã gửi đơn kiến nghị để nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) xử lý.
Những bản hợp đồng thiếu minh bạch, bị đánh tráo
Bức xúc trước một bản hợp đồng bị đánh tráo, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Đừng ví em là biển”, “Tình khúc Nguyệt hò”, “Biển hát lời anh ca” đã không ngần ngại thừa nhận bản thân ông còn non nớt về mặt pháp lý nên đã bị công ty BH Media lừa gạt.
Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng cho biết: “Khi bên công ty đến nói chuyện, họ tự giới thiệu là kênh truyền thông Mỹ, quảng bá toàn cầu và mời tôi ký hợp đồng ủy quyền 3 tác phẩm. Họ nói việc này không ảnh hưởng đến hợp đồng tôi đã ký với bên VCPMC. Vì hiểu biết non nớt, tính nghệ sĩ dễ dãi, khi gặp phải đối tác có kinh nghiệm nên tôi đã ký hợp đồng ngay.
Sau khi ký một tuần, tôi không thấy bên công ty gửi lại bản chính như thỏa thuận, rồi 2 tuần, 2 tháng vẫn không thấy đâu. Liên hệ điện thoại không được nên tôi đã lần theo địa chỉ tới công ty. Tuy nhiên, họ tiếp chúng tôi ở quán nước. Và bản hợp đồng đưa trả cho tôi không có dấu công ty cũng không có dấu giáp lai giữa các trang. Hợp đồng ủy quyền của tôi cũng chỉ đề người đại diện mà không ghi rõ tác giả nhạc, tác giả lời.
Xem kỹ thì bản hợp đồng bị đánh tráo, nghĩa là từ trang 1 sang trang 2 có những nội dung bị thay đổi. Họ ký với tôi có 3 tác phẩm mà trong hợp đồng đồng ghi tuyển tập tác phẩm. Tôi đem thắc mắc hỏi một người bạn thì được biết hợp đồng bị đánh tráo, sửa chữa, có dấu hiệu lừa dối. Tôi gửi kiến nghị lên Cục bản quyền đề nghị không cấp giấy ủy quyền cho BH Media vì hợp đồng không ghi rõ họ tên tác giả nhạc và tác giả lời. Đồng thời tôi cũng gửi đơn đề nghị VCPMC thay mặt tôi tiến hành các bước chấm dứt hợp đồng và xử lý các vấn đề liên quan”.
Với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, ông có hai hợp đồng, một cho VCPMC và một cho đơn vị khác khai thác có thời hạn. Hai hợp đồng này rất rõ ràng và không ảnh hưởng đến nhau. Tuy nhiên, bản hợp đồng thứ 3 mới ký với BH Media khiến ông bức xúc vì bị lừa dối.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho biết: “Trước khi ký, tôi đã hỏi rõ về quyền và lợi ích hợp pháp. Họ nói tôi yên tâm, hợp đồng này không ảnh hưởng gì tới hợp đồng đã ký trước đây. Song, sau đó tôi phát hiện ra bản hợp đồng họ đưa cho tôi giữ không có dấu, không có số chứng minh thư, như vậy là chưa chặt chẽ về pháp lý.
Không chỉ vậy, ban đầu tôi chỉ ký hợp đồng khai thác ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” trong một thời gian. Nhưng lại bị đánh tráo bằng một văn bản khác mà nội dung lại ghi là được quyền sử dụng suốt đời. Làm sao có chuyện sử dụng suốt đời được?”.
Quá bức xúc trước những câu từ trong hợp đồng, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng đã gửi đơn kiến nghị để nhờ VCPMC xử lý vụ việc, trả lại quyền tác giả và các quyền liên quan theo hợp đồng ủy thác với Trung tâm.
Trước đó, nhạc sĩ Bảo Chấn, gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Phương cũng gặp phải tình trạng ký vào những bản hợp đồng thiếu minh bạch và đều phải gửi đơn kiến nghị để xử lý.
Hãy nói không với vi phạm quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Pháp luật về quyền tác giả đã trao cho tác giả quyền thực hiện độc quyền đối với các quyền này.
Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp, còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các công ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.
Tuy nhiên, từ những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của nhiều nhạc sĩ gửi đến, mới thấy rằng thực tế đa phần các nhạc sĩ do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống đầy rủi ro. Lạm dụng những kẽ hở pháp lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo. Thậm chí có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc mất hẳn quyền sở hữu, quyền kiểm soát đối với chính tác phẩm của mình.
Trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời. Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm”.
Đại diện bộ phận pháp chế của VCPMC đưa ra khuyến nghị: “Trong trường hợp các tác giả muốn ký hợp đồng với những bên khác, VCPMC cũng sẽ có những hỗ trợ pháp lý, tư vấn, đàm phán để tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực "tình ngay lý gian" hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm”.
Những vụ việc xảy ra liên tiếp vừa qua cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhạc sĩ cần cận trọng hơn để tránh được rủi ro với những thiệt hại rất lớn, có thể bao gồm cả việc vĩnh viễn mất đi quyền lợi mà đáng ra phải thuộc về tác giả./.