Cảnh báo những “chiêu trò” dẫn đến quyền tác giả bị xâm phạm
Thời gian gần đây, một số ca sĩ đã gặp phải tình trạng ca khúc, MV đăng tải trên nền tảng số đột nhiên bị đánh dấu vi phạm bản quyền bởi những đơn vị mà chính họ cũng không biết là ai. Khi trao đổi với các nhạc sĩ – chủ sở hữu của tác phẩm thì được biết, các nhạc sĩ không ủy quyền cho bất cứ tổ chức/cá nhân nào xử lý vi phạm bản quyền tác giả nếu chưa xin phép, trả tiền tác quyền sử dụng tác phẩm. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ về mặt pháp lý cũng như thời gian để các ca sĩ lấy lại các sản phẩm của mình.
Cũng có một hiện trạng khác như trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn vô tình có những Hợp đồng ủy quyền không nên có làm ảnh hưởng tới chính ông, đồng thời gây khó khăn cho đơn vị đã được ủy quyền quản lý và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan để xử lý những vấn đề dính đến tác phẩm ở tất cả các lĩnh vực, các nền tảng phát hành.
Cụ thể, nhạc sĩ Bảo Chấn đã ký hợp đồng ủy quyền quản lý toàn bộ các tác phẩm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Song, cách đây 3 tháng, ông lại tiếp tục ký một hợp đồng khác với Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông Bihaco (BH Media). Sau khi phát hiện những sự bất nhất trong cách làm việc, nhạc sĩ Bảo Chấn đã hủy hợp đồng và xác nhận vẫn tiếp tục ủy quyền quản lý toàn bộ các tác phẩm cho VCPMC.
Bà Cao Hồng, vợ nhạc sĩ Bảo Chấn cho biết thêm: “Lúc BH Media mang hợp đồng tới ký, nhạc sĩ Bảo Chấn không đồng ý vì đã ủy quyền cho VCPMC, hơn nữa trong hợp đồng có những điều khoản bất hợp lý. Song, bên họ khẳng định những gì công ty ký không ảnh hưởng đến hợp đồng của VCPMC, nhất là việc khai thác trên Youtube, đồng thời cũng hứa sẽ sửa hợp đồng theo thỏa thuận giữa nhạc sĩ Bảo Chấn với BHMedia.
Tuy nhiên, khi họ mang hợp đồng tới ký lại, do sơ xuất nên nhạc sĩ Bảo Chấn đã ký mà không đọc lại bản hợp đồng được nói là đã sửa. Sau đó, gia đình phát hiện những điểm ghi trong hợp đồng không đúng với những gì đã thỏa thuận nên lập tức yêu cầu chấm dứt hợp đồng, nhưng BHMedia lờ đi. Vì vậy nhạc sĩ Bảo Chấn đã gửi thư xác nhận tới VCPMC đề nghị thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm là nhạc sĩ Bảo Chấn - thành viên của VCPMC”.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Pháp luật về quyền tác giả đã trao cho tác giả quyền thực hiện độc quyền đối với các quyền này.
Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp, còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.
Ông Hoàng Tùng, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết: “Cha tôi có tới 4 người vợ. Khi ông qua đời, việc hưởng thụ quyền tài sản thuộc về tất cả những người vợ và các con của ông. Tuy nhiên, một trong những người thân đã đem bán một số tác phẩm của ông cho một đơn vị khai thác khác và hưởng lợi một mình, khiến cho việc phân chia tác quyền theo quyền thừa kế bị ảnh hưởng. Gia đình chúng tôi đã phải gửi đơn lên tòa án để xử lý vụ việc. Hiện gia đình chúng tôi đã yêu cầu bên VCPMC bảo hộ quyền tác giả và phân chia quyền tài sản theo tỷ lệ mà tòa án đã phán quyết”.
Đừng vì lợi nhỏ trước mắt mà đánh mất quyền sở hữu tác phẩm
Lạm dụng những kẽ hở pháp lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo. Thậm chí có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc mất hẳn quyền sở hữu, quyền kiểm soát đối với chính tác phẩm của mình.
Với trên 4.600 chủ sở hữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC, phần lớn họ ủy quyền toàn bộ; cũng có những tác giả đã bán độc quyền, trao tặng... Vấn đề bán độc quyền hoặc chuyển nhượng sẽ khó chấm dứt và sẽ xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tình trạng bán độc quyền cho các nhà sản xuất, ca sĩ. Vì vậy, VCPMC đã và đang kiểm soát và tư vấn cho tác giả để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý.
Đại diện bộ phận pháp chế của Trung tâm cho biết: "Từ những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của nhiều nhạc sĩ gửi đến, mới thấy rằng thực tế đa phần các nhạc sĩ do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống đầy rủi ro. VCPMC cũng đã có những hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực "tình ngay lý gian" hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm.
Trong trường hợp tác giả muốn thực hiện các giao dịch để chuyển giao quyền thì VCPMC vẫn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, đàm phán, bảo đảm về phạm vi, thời hạn và các vấn đề bảo lưu quyền, cũng như đạt được giá trị, lợi ích kinh tế tốt nhất”.
Bảo vệ quyền tác giả là một lĩnh vực đặc thù, tạo môi trường tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, là “chìa khóa” then chốt để Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa được thực hiện thành công.
Qua thực tiễn, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC đưa ra khuyến nghị: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời. Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm”.
Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng. Bảo hộ quyền tác giả nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng “tài sản trí tuệ” và chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền và được hưởng các lợi ích được khai thác từ tác phẩm của mình./.