Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng nay (6/5), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954” tại số 25 Tông Đản, Hà Nội.
Trong diện tích hơn 200m2 của phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hơn 100 hiện vật (phần lớn là tranh cổ động cùng một số bức ký họa và một số kỷ vật của các họa sỹ, hiện vật liên quan đến việc in ấn, tuyên truyền tranh thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) đã được giới thiệu tới công chúng. Các tác phẩm trưng bày tập trung vào năm chủ đề chính: “Cổ động chủ trương - phong trào”, “Chiến đấu”, “Tình quân dân”, “Nêu gương điển hình” và “Kỷ niệm ngày lễ lớn”.
Tranh cổ động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ |
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, đây là một phần trong bộ sưu tập gần 200 bức tranh cổ động hết sức quý giá và đầy đủ nhất trong hệ thống bảo tàng trên cả nước, cũng như các cơ quan lưu trữ khác mà hiện nay bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng với sự góp mặt của thế hệ họa sỹ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Ngô Mạnh Lân, Phan Kế An…
Ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động thực sự đã trở thành công cụ đắc lực cho việc truyền bá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó truyền tải ý chí quyết tâm của quân và dân ta chống lại thực dân Pháp. Đồng thời, tranh cổ động cũng là hình thức tái tạo chân thực đời sống xã hội đương thời lúc đó.
Tranh cổ động cũng là hình thức tái tạo chân thực đời sống xã hội đương thời lúc đó |
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, trong điều kiện thời chiến khó khăn, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao.
Đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước, nghệ thuật tranh cổ động tự hào đã hoàn thành những nhiệm vụ trong những thời khắc cam go nhất, góp phần to lớn vào đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cuộc chiến của người họa sĩ không diễn ra ngoài chiến tuyến mà diễn ra đằng sau giá vẽ.
Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954” dự kiến sẽ mở cửa phục vụ công chúng đến tháng 7/2104./.Một số bức tranh trưng bày trong triển lãm:
Khách tham quan triển lãm được trải nghiệm thử in tranh cổ động |
Một bản khắc gỗ tranh cổ động trong triển lãm |