Chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà gần 6 thập kỷ trôi qua, âm vang Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ý nghĩa đó được thể hiện đặc biệt sâu sắc qua 5 tập phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện, được phát sóng vào lúc 20h10 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam từ ngày 1/5 đến 7/5.

diemhenlichsu7.jpg
Chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX
Phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” do Nhà nước đặt hàng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương với nhiệm vụ chung làm chùm phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014). Kịch bản của phim do đạo diễn Đào Thanh Tùng chắp bút và phim được thực hiện dưới sự chỉ đạo chính của 3 đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, Trần Phi và đạo diễn Đỗ Khánh Toàn. 5 tập phim, mỗi tập có độ dài khoảng 30 phút ghi lại trận chiến hào hùng của dân tộc ta từ khi tuyên bố độc lập năm 1945 cho đến ngày chúng ta giành thắng lợi ở trận Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Phim là “điểm hẹn” của những nhân chứng lịch sử

Làm phim tài liệu về Điện Biên Phủ hay bất kỳ sự kiện lịch sử trọng đại nào của dân tộc bao giờ cũng là bài toán khó đối với những nhà sản xuất, bởi các thế hệ làm phim trước đã có rất nhiều những thước phim hay. Đó là trăn trở của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng – Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, cũng như tổ làm phim khi nhận lời làm phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”.

Đạo diễn Nguyễn Văn Hướng - Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương

Đạo diễn Nguyễn Văn Hướng chia sẻ: “Chùm phim này có thuận lợi là lượng tư liệu rất lớn vì hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương là nơi lưu giữ rất nhiều các bộ phim, nhưng chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm ra một cách thể hiện mới không giống như các thế hệ đi trước đã làm về Điện Biên Phủ. Sau nhiều tính toán, đoàn làm phim đã chọn cách kể chuyện, thay vì chỉ làm hoàn toàn bằng tư liệu mà thêm vào đó phần lớn đoạn phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, khai thác chi tiết ít được nhắc đến ở những bộ phim khác”.

Phim bắt đầu bấm máy từ tháng 1/2014. Việc tìm nhân chứng gặp khó khăn về thời gian quá gấp gáp khi chỉ có chưa đầy 4 tháng để thực hiện, nhưng bù lại đạo diễn Đỗ Khánh Toàn từng làm phim về Điện Biên và có mối quan hệ rất rộng. Đồng thời, đoàn làm phim cũng dựa vào tài liệu những nhân chứng làm nên lịch sử, liên hệ với hội cựu chiến binh, và bằng rất nhiều con đường khác để làm nên một “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”.

Xuyên suốt các tập phim, những nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp chiến đấu, hoặc những người từng chứng kiến xuất hiện bên cạnh các hình ảnh tư liệu màu và đen trắng, cùng nhau kể lại một thời chiến đấu anh hùng của dân tộc. Tuy vậy, khó khăn cho 2 tập đầu của bộ phim (thời điểm năm 1945), các nhân chứng lịch sử không còn nhiều, và không phải ai cũng nói được khi có những cụ tuổi đã ngoài 90. Chỉ đến các tập sau, “đất” dành cho các nhân chứng lịch sử mới được nhiều hơn lên, và các câu chuyện qua lời kể của họ là điểm nhấn giúp cho bộ phim thêm chân thực và gần gũi với người xem.

Chọn người kể tốt nhất, chứ không phải câu chuyện hay nhất

Mỗi nhân chứng lịch sử là một câu chuyện xúc động giúp người xem hiểu rõ hơn về những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh khi đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Lý giải về việc chọn cách thể hiện lịch sử qua các nhân chứng trong bộ phim, đạo diễn Nguyễn Văn Hướng cho biết, ông không muốn chỉ đề cập đến sự kiện lịch sử hời hợt ở phía bên ngoài mà thấy cần phải có sự tiếp cận cụ thể đối với các nhân chứng lịch sử, những người từng tham gia chiến đấu. Họ có người nói được và có người không còn khả năng cất lời, nhưng điều quan trọng là bằng những hành động, cử chỉ, ánh mắt, họ cho các thế hệ sau nhìn thấu lịch sử, nói lên sự hy sinh vô cùng anh dũng của đồng đội, những sự thật qua thông tin tuyên truyền gần như chúng ta không biết.

Theo đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, đó là những câu chuyện rất hay về sự đóng góp và hy sinh thầm lặng của nhiều con người. Đó là câu chuyện xúc động về ý chí quyết tâm đánh Pháp của một người lính chứng kiến đồng đội mình dù bị thương nhưng vẫn xông lên, dứt khoát không đồng ý băng bó; là câu chuyện về hai chiến sĩ bắn trung liên, một người hỏng mắt, một người bị mất đi cánh tay, hai người phối hợp với nhau để đẩy lùi kẻ địch…

“Tôi nghĩ chúng ta thắng Mỹ, thắng Pháp là ở những con người như thế. Bởi cuộc chiến của chúng ta là chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện. Chúng ta phải biết tôn vinh những con người này và giúp cho thế hệ sau hiểu hết về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ” – đạo diễn Nguyễn Văn Hướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, điều đáng tiếc nhất khi làm phim, theo đạo diễn Nguyễn Văn Hướng đó là trong thời lượng của phim không thể nào ôm hết những câu chuyện của các nhân chứng. “Phải chọn câu chuyện mà người kể tốt nhất, chứ không phải câu chuyện hay nhất. Có rất nhiều câu chuyện mà hay mà người kể chưa đạt đến diễn cảm trong phim” – đạo diễn Nguyễn Văn Hướng tiếc nuối.

Sau chưa đầy 4 tháng lao động miệt mài, “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” đã phát sóng tập đầu tiên trên kênh VTV1 lúc 20h10. Hai tập cuối với tựa đề “Một quyết định lịch sử” và “Âm vang Điện Biên” sẽ lần lượt ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ trong hai ngày 5/5 và 7/5.

Thông điệp mà bộ phim hướng tới, theo đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, Điện Biên Phủ là cuộc chiến vĩ đại, có lẽ chỉ có những con người sống ở thời kỳ đấy, với ý chí kiên cường như thế mới có thể làm nên chiến thắng. Điện Biên Phủ đã có những người đứng đầu tài giỏi, biết tổ chức lãnh đạo, huy động toàn bộ nhân dân đem hết sức lực của mình ra để đánh bại Thực dân Pháp. Trong điều kiện gian khổ mà họ vẫn có thể làm được những điều phi thường, đó là niềm tự hào đối với các thế hệ cha anh của chúng ta./.