Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014) và hưởng ứng Ngày quốc tế Bảo tàng (18/5) với chủ đề “Sưu tập bảo tàng tạo lập kết nối”, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tổ chức triển lãm “Ký ức Điện Biên” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội. Hoạt động này cũng nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thông qua hồi ức của những người phụ nữ đã từng tham gia phục vụ chiến dịch, triển lãm tái hiện một cách sinh động niềm hân hoan, những phút giây hào hùng của quân dân ta trên chiến trường cho tới khi Điện Biên Phủ toàn thắng. Với họ, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là một sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi của dân tộc gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

trien%20lam%201.jpg
Chân dung một số nữ chiến sĩ, dân quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được trưng bày tại triển lãm

Hàng trăm câu chuyện dung dị, cảm động qua những hình ảnh và hiện vật của hơn 20 nhân chứng lịch sử được lựa chọn và trưng bày theo ba nội dung chính: Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi; Điện Biên Phủ - Ký ức không phai; và Điện Biên Phủ sáng mãi. Qua đó, những hình ảnh, hiện vật diễn tả không khí náo nức với tinh thần “tất cả vì chiến dịch” của những người mẹ, người chị năm xưa, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Họ đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Tại triển lãm, chúng tôi không trưng bày hình ảnh những người phụ nữ trên chiến trường với súng đạn, mà đó là hình ảnh sinh hoạt của họ trong chiến dịch. Người xem sẽ dễ dàng nhìn thấy những đóng góp của họ thông qua các hoạt động trong quân y, trong việc xay lúa, giã gạo, vận chuyển lương thực, tham gia đoàn văn công… Bên cạnh đó, còn là những hình ảnh về sự sẻ chia trong tình quân dân, về tình đồng chí, đồng đội, về những chuyện tình yêu đôi lứa trong bom đạn”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, đó là cách khai thác những khoảng lặng của chiến tranh ở một khía cạnh nhân văn và khẳng định thêm niềm tin yêu của những người phụ nữ trẻ trong chiến dịch.

Song song với triển lãm tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng đồng thời đóng góp tư liệu và tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên./.

Một số hình ảnh và hiện vật tại triển lãm “Ký ức Điện Biên”:

Những nữ dân quân đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho chiến dịch 
Phụ nữ Thái chuẩn bị gạo gửi ra chiến trường
Những người phụ nữ xay lúa, giã gạo, phục vụ kháng chiến

Phụ nữ các dân tộc tham gia dân công cùng bộ đội công binh làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ

Phụ nữ tham gia trong quân y chăm sóc thương binh cả hai bên chiến tuyến.

Khám bệnh và trao đổi kinh nghiệm quân y cùng các y sỹ nam tại chiến dịch
Tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh ngoài hỏa tuyến

Phụ nữ các dân tộc ra hỏa tuyến thăm hỏi và tặng quà cho thương binh vào năm 1954

Quân y làm băng cứu thương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Phụ nữ tham gia đoàn văn công phục vụ các chiến sỹ tại mặt trận

Nữ dân công dân tộc Thái, Sơn La sinh hoạt văn hóa tại mặt trận

Nữ y sỹ Nguyễn Ngọc Toản (thứ 2, từ trái sang), một trong những người phụ nữ tham gia chiến dịch cùng đồng đội tới thăm vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chuyến thăm lại chiến trường Điện Biên vào năm 1984
Ngoài đời sống sinh hoạt, hoạt động đóng góp của những người phụ nữ, triển lãm còn tái hiện lại những câu chuyện về tình yêu của họ trong khói lửa

Trong đó, có những người đã từng nên vợ nên chồng và có con ở chiến dịch
Những lá thư tình trong chiến dịch

Bên cạnh đó, một số hiện vật cũng được trưng bày, như dụng cụ thồ hàng,vận chuyển của phụ nữ...

... hay những hiện vật thể hiện đời sống sinh hoạt tại mặt trận