Sáng nay (19/1), lãnh đạo TPHCM đã có buổi gặp gỡ với đông đảo văn nghệ sĩ thuộc lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người trong cuộc. Không chỉ đưa ra những góp ý thẳng thắn mà nhiều nghệ sĩ còn hiến kế giúp thành phố khôi phục và phát triển nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hội nhập hiện nay. 

img_0693_fckq.jpg
Nghệ sĩ Kim Xuân trăn trở về những khó khăn mà kịch nói TPHCM đang gánh suốt nhiều năm nay.
Với chủ đề “TPHCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống; tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển”, chương trình là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe những ý kiến đóng góp thiết thực từ phía các nghệ sĩ, soạn giả, biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật như cải lương, hát bội, đờn ca tài tử, kịch nói, múa rối nước… 

Tại buổi gặp gỡ, nhiều văn nghệ sĩ gạo cội đã đề cập đến những bất cập, khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình gìn giữ nghệ thuật truyền thống và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Không ít văn nghệ sĩ cho rằng, chính việc thiếu sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của TPHCM đã khiến cho 2 lĩnh vực rất mạnh của thành phố là nghệ thuật sân khấu cải lương và kịch nói rơi vào khủng hoảng.

Nghệ sĩ Kim Tử Long nói về những khó khăn mà các đơn vị xã hội hóa cải lương đang gặp phải.

Thiếu cơ sở vật chất, thiếu sân khấu phù hợp, thiếu kịch bản chất lượng và nguồn thu không đảm bảo cũng là điều khiến nhiều nghệ sĩ dù tâm huyết cũng khó bám nghề. Sự xuất hiện của hàng loạt đơn vị xã hội hóa cải lương, kịch nói của TPHCM thời gian qua đã góp phần giải cứu cải lương, kịch nói rơi vào tình trạng thoái trào trầm trọng. Thế nhưng không ít đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nên thua lỗ thường xuyên, khó gắn bó lâu dài. 

Vì vậy, nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, bên cạnh những chính sách về gìn giữ nghệ thuật truyền thống, ươm mầm tài năng trẻ, thành phố cần có sự quan tâm thiết thực hơn cho lực lượng nghệ sĩ hiện tại. Trước mắt, phải đầu tư những sân khấu đúng lĩnh vực, tạo được nguồn thu để nghệ sĩ có thể sống với nghề và tạo môi trường thu hút những kịch bản, chương trình được đầu tư bài bản. 

Đạo diễn Hoa Hạ bày tỏ nhiều trăn trở với nghệ thuật cải lương hiện nay.

Theo đạo diễn Hoa Hạ, một trong những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo thành phố muốn bảo tồn và phát triển các loại hình này thì phải xuống tận các sân khấu, các điểm biểu diễn xem nghệ sĩ hiện nay khổ cực như thế nào.

“Nếu như lãnh đạo thành phố muốn làm cho sân khấu cải lương, sân khấu kịch nói mạnh lên,  các lãnh đạo hãy tập hợp lại các anh chị nghệ sĩ cải lương, kịch nói xã hội hóa bởi chính những anh chị này là người đang bỏ tiền của, công sức và tài năng của mình ra để làm sáng đèn cho sân khấu tại TPHCM hiện nay” - đạo diễn Hoa Hạ cho biết./.