Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi. 15 tác phẩm được dàn dựng công phu đã tạo được ấn tượng sâu đậm với công chúng. Liên hoan lần này là cầu nối gắn kết, giữa các nghệ sĩ với công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, tạo niềm đam mê duy trì và bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian.
Vở diễn “Núi rừng năm ấy” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật Bài chòi, Hát hố tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn được trao giải đặc biệt tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây là ghi nhận sự nỗ lực lao động nghệ thuật của hàng chục diễn viên chuyên và không chuyên tập luyện hơn 2 tháng. Trong đó, có sự góp mặt của nhiều diễn viên trẻ đam mê với nghệ thuật dân ca bài chòi.
Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Công Sơn, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật Bài chòi, Hát hố tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Lòng say sưa và nhiệt huyết của tất cả anh, chị em diễn viên không chuyên nhưng giờ đã trở thành chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở đây là sự phấn đấu, niềm đam mê đã vượt qua tất cả để đem đến thành công hôm nay”.
15 vở diễn với các loại hình nghệ thuật truyền thống: tuồng, dân ca bài chòi, dân ca kịch tạo nên một sân khấu đa sắc màu, mang đậm dấu ấn nghệ thuật văn hóa dân gian. Với tài diễn xuất của mình, gần 500 diễn viên đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những nụ cười, những giọt nước mắt, những tràng pháo tay tán thưởng của hàng trăm lượt khán giả đến xem mỗi buổi diễn là minh chứng cho thấy khán giả không quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Đây là nguồn cổ vũ, động viên cho các nghệ sĩ, diễn viên.
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 thu hút nhiều đối tượng khán giả. |
Đã từ rất lâu mới có dịp thưởng thức các vở diễn nghệ thuật truyền thống, khán giả Phạm Thị Bích Nữ, ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi mong muốn: “Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều liên hoan như thế này để khán giả cũng như người dân thưởng thức được các vở diễn mang đậm bản sắc dân tộc và ý nghĩa”.
Tại liên hoan, diễn viên trẻ Trần Thị Kim Oanh, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng tâm sự, qua các vở diễn, các nghệ sĩ trẻ học hỏi thêm kỹ năng diễn xuất từ các lớp tiền bối, từ đó thắp thêm ngọn lửa đam mê đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Chị Kim Oanh tâm sự: “Lúc đầu em cũng chưa hiểu tuồng là gì, nhưng khi đã học và tham gia biểu diễn, dần dần mình mới ngấm được. Từ đó mình thêm đam mê và dành sự yêu thương cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.
Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn có 2 câu lạc bộ Tuồng khác. Đa số các diễn viên ở các câu lạc bộ hoạt động, tham gia biểu diễn theo mùa lễ hội hoặc các sự kiện lớn tại địa phương. Nhiều người theo nghề chỉ để thỏa lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, nhưng mấy ai sống được với nghề. Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực từ giới nghệ sĩ và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả, đặc biệt là du khách gần xa.
Nhiều tác phẩm được đầu tư, dàn dựng công phu. |
Với hơn 40 diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công, trong đó có khoảng một nửa là nghệ sĩ trẻ, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật truyền thống để phục vụ người dân và du khách. Trong đó, thời lượng dành cho tuồng chiếm hơn một nửa. Hàng năm, nhà hát tổ chức từ 200 đến 240 buổi biểu diễn phục vụ công chúng. Ngoài ra, nhà hát cũng thường xuyên phối hợp với các trường học đưa nghệ thuật tuồng vào giới thiệu và giảng dạy cho học sinh.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ: “Việc đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, cùng một việc làm nhưng chúng ta thực hiện được nhiều mục đích khác nhau. Đây là một hoạt động nghệ thuật để quảng bá và thu hút du khách. Tuy nhiên, cũng nhờ hoạt động đó mà nghệ thuật truyền thống dân tộc gần gũi hơn với khán giả, đặc biệt là lớp trẻ”.
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 không hẳn là cuộc so tài, thi thố giữa các đơn vị. Đây còn là dịp đánh giá sát thực trạng sân khấu truyền thống của nước ta. Công chúng không quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống, vấn đề ở đây là các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật cần có nhiều hơn nữa những giải pháp để đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn và hấp dẫn hơn với công chúng./.