Trong một thế giới phẳng như hiện nay, các nền văn hóa trên thế giới dễ dàng du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường và nhiều hình thức. Cùng với đó là sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức, vậy nên, giới trẻ Việt có nhiều lựa chọn hơn trong thưởng thức các loại hình nghệ thuật.
Có lẽ một phần vì thế mà những môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… đang dần trở nên xa lạ với họ. Khi nào khán giả trẻ hết “quay lưng” đến với nghệ thuật truyền thống? Đây là câu hỏi lớn đối với các cơ quan quản lý, các nhà hoạt động nghệ thuật, bản thân các nghệ sĩ. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với NSƯT Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam- người luôn khao khát làm mới để các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.
Khi nhắc đến những loại hình nghệ thuật truyền thống thì các bạn trẻ, có ngườikhông biết, có người thì cho rằng, nó khó nghe, khó tiếp cận? NSƯT Triệu Trung Kiên, anh nghĩ sao khi nghe những ý kiến này?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Điều đó thể hiện đúng thực trạng của xã hội ta, các bạn trẻ chưa thấy được nhu cầu trong cuộc sống của mình, chưa thấy cần thiết phải thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống. Khi các bạn sinh ra và lớn lên, chúng ta cũng không có những kênh để tác động vào cảm nhận của các bạn. Cho nên, các bạn chưa hề thấy nó hiện diện trong cuộc đời của mình. Đó là một tồn tại và phải phân tích kỹ lưỡng mới có lời giải.
NSƯT Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. |
Có rất nhiều nguyên nhân khiến khán giả trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống. Cũng dễ hiểu bởi sự đa dạng, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật giải trí đang lôi cuốn họ. Nhưng đấy chỉ là nguyên nhân khách quan, còn chủ quan là gì, thưa NSƯT Triệu Trung Kiên?
NSƯT Triệu Trung Kiên:Nếu xét một cách sòng phẳng ra thì đúng là, trong bối cảnh hiện nay, giữa sự du nhập như vũ bão của các loại hình giải trí thì phải thừa nhận rằng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống giống như những món ăn không hợp khẩu vị đối với giới trẻ. Đây cũng là tình trạng phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các dân tộc, các quốc gia đều như vậy cả. Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó và suy nghĩ xem có cách gì để cải thiện nó.
Khán giả trẻ khó tiếp nhận vì họ không hiểu, chưa hiểu, chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống. Phải chăng việc phổ biến nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, thưa anh?
NSƯT Triệu Trung Kiên:Đúng như vậy, tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là giáo dục. Cốt lõi vấn đề ở chỗ, tất cả những gì thuộc về truyền thống, không riêng gì văn hóa nghệ thuật, chúng ta chưa có ý thức giáo dục để thẩm thấu. Các bạn cứ tiếp nhận những gì tự nhiên xã hội mang lại. Sự hiếu kỳ và hướng ngoại là tâm lý phổ biến của giới trẻ. Vậy nên, chúng ta cần có sự giáo dục đúng hướng để giới trẻ có được thái độ cần thiết trước những giá trị của dân tộc mình. Nhiều nước làm rất tốt vấn đề này, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.
Họ đã biết cách để làm sao, mỗi công dân từ rất sớm đã nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống, trân trọng nó. Từ đó mới trở thành nề nếp, thói quen. Niềm tự hào dân tộc luôn luôn tiềm ẩn. Chẳng hạn như gần đây chúng ta quan sát thái độ của người dân khi đội tuyển bóng đá nước nhà giành chiến thắng trên đấu trường quốc tế, làm cho hàng triệu triệu người Việt Nam tự hào. Như vậy, tâm lý tự hào luôn luôn sẵn có trong mỗi công dân, làm sao để chúng ta khơi dậy được nó mà thôi.
Đối với văn hóa truyền thống cũng vậy, làm sao để các bạn trẻ biết trân trọng những gì riêng có của mình. Trong một thế giới đại đồng, nó làm cho con người khó có thể nhận ra dân tộc này khác dân tộc kia ở chỗ nào. Do đó, chắc chắn phải có sự can thiệp của giáo dục cho những bạn trẻ- đối tượng đang hướng ngoại, thậm chí thực dụng để làm sao họ hướng nội nhiều hơn, có thể cảm nhận được những nét đẹp riêng có. Từ đó, họ mới có thái độ đúng đắn với di sản văn hóa dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới đưa họ đến gần hơn với văn hóa dân tộc. Từ đó mới nảy sinh tình yêu với nghệ thuật truyền thống.Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương
Bản thân nghệ thuật truyền thống từ đề tài, kịch bản, nội dung đến cách thể hiện chưa mới lạ, hấp dẫn giới trẻ?
NSƯT Triệu Trung Kiên:Thực ra là chưa. Ta cứ lấy 3 loại hình nghệ thuật truyền thống là tuồng, chèo, cải lương. Mặc dù 3 loại hình có 3 đặc sắc khác nhau, chẳng hạn như tuồng chèo có những khuôn vàng thước ngọc, nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng những giá trị cổ, do đó nó khó gần gũi và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của con người hiện đại. Với cải lương lại khác một chút vì nó là loại hình nghệ thuật mở, có thể tiếp cận bất cứ một đối tượng khán giả nào, có thể làm thỏa mãn bất cứ tầng lớp khán giả nào. Cải lương có sự thích ứng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động của các loại hình nghệ thuật truyền thống nhìn chung là chúng ta chưa có cải biến đúng và đủ, làm sao cho bản thân những loại hình nghệ thuật đó thực sự lôi kéo được khán giả trẻ. Có như vậy mới hy vọng có một ngày, khán giả trẻ không “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống.
Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đưa sân khấu truyền thống vào trường học như chương trình “Sân khấu học đường” được thực hiện với các thể loại chèo, tuồng, dân ca hay tại một số địa phương cũng đã đưa các làn điệu dân ca của địa phương mình vào giảng dạy trong trường học. Theo anh, những chương trình này có ý nghĩa thế nào trong việc giúp giới trẻ hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Nên để cho giới trẻ có nhiều sự tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống. Khi khán giả đến với 1 loại hình nghệ thuật phải bắt nguồn từ sự yêu mến, luyến nhớ và có thể tìm về ký ức của mình. Vì thế, tầng lớp khán giả lớn tuổi thường thích xem nghệ thuật truyền thống hơn vì họ nhớ lại, tìm lại ký ức, tìm lại sự say mê của mình. Còn những người trẻ, đâu có những ký ức đó. Do vậy, việc đầu tiên là cho các em ký ức bằng cách cho tiếp cận càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, tiếp cận thế nào lại là việc hoàn toàn khác.400 nghệ sĩ xuống phố kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương
Chúng ta có nói nhiều đến sân khấu học đường, cá nhân tôi thấy rằng, nó chưa có hiệu quả bởi vì bản thân sân khấu, bản thân nguyên tắc của ngôn ngữ sân khấu phải được diễn ra trong một không gian đủ các thành tố, trang trí, âm thanh, ánh sáng và diễn ra sau cánh màn nhung sân khấu. Trong khi đó, chúng ta lại đưa sân khấu học đường giữa ban ngày, giữa một nơi không đủ yếu tố nghệ thuật như thế thì nó sẽ không toát lên được những cái đẹp cần có của sân khấu. Cho nên, các em, các cháu khi xem nó sẽ không mặn mà.
Do đó, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường nên là những trải nghiệm thực tế và có các tác phẩm nhắm đến đối tượng là người trẻ. Ví dụ như việc tái hiện các câu chuyện dân gian trên sân khấu…
Tuy nhiên, có thể thấy rõ đấy mới chỉ giải quyết phần ngọn. Các chương trình, dự án này mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa có chương trình tầm cỡ quốc gia, dài hơi để truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho đông đảo học sinh, sinh viên?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Chủ trương thì đúng nhưng quá trình triển khai, tôi thấy chưa đủ để thẩm thấu, tạo nên hiệu quả như chúng ta mong muốn. Theo tôi, phải hướng đến những đối tượng cụ thể, chứ không chỉ giới trẻ chung chung. Chúng ta phải phân loại ra như thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên.
Nhiều người vẫn nói, thanh niên đa phần là không quan tâm tới nghệ thuật truyền thống nhưng qua quan sát của tôi, có một bộ phận thanh niên có tri thức, có học vấn bắt đầu có xu hướng nhìn nhận lại về nghệ thuật truyền thống giữa xu hướng ồ ạt hướng ngoại. Họ thấy rằng, hướng ngoại đã bắt đầu bão hòa bởi vì làm được những xu hướng na ná trên thế giới, không phải là điều gì khó khăn. Và các bạn lại muốn tìm đến những cái ngóc ngách, khó khăn, cần có sự đầu tư, nỗ lực… Đó cũng là đặc trưng của người trẻ, thích chinh phục, thích khám phá và họ bắt đầu nhìn lại, chiêm nghiệm lại và có những băn khoăn. Trong xu hướng đó, chúng ta nên tác động vào thì chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Không chỉ thay đổi cách tiếp cận với khán giả mà nghệ thuật truyền thống cần bước chuyển mình mạnh mẽ hơn về hình thức, nội dung để gần khán giả trẻ hơn và mang lại sức sống mới cho những loại hình nghệ thuật này. Chúng ta đã vừa nhắc tới vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, còn vai trò của các nhà hát, các nghệ sĩ thì sao, thưa anh?Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội
NSƯT Triệu Trung Kiên: Các nhà quản lý sẽ đưa ra các định hướng, đưa ra chiến lược và lực lượng để thực hiện phải là các đơn vị nghệ thuật cụ thể và các nghệ sĩ. Chúng ta phải tạo nên các sản phẩm nghệ thuật nào để hướng đến các bạn trẻ, tất nhiên phải chấp nhận cả việc phôi pha truyền thống, chẳng hạn cải lương của thế kỷ 21 phải khác với thế kỷ 20. Nghĩa là phải có mỏ neo để neo vào quá khứ nhưng vẫn phải thích ứng với xã hội đương đại.
Anh nói đến sự đổi mới của bản thân các nhà hát, các nghệ sĩ. Điều này khiến tôi nhớ đến vở “Hừng đông” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đượcHoàng Song Việt chuyển thể cải lương vàanh đạo diễn đã có sự cách tân táo bạo khi một vở cải lương lịch sử lại có sự xuất hiện của một ban nhạc đường phố 9x ngẫu hứng với pop, jazz, dân gian đương đại? Khi đưa những đổi mới này vào vở diễn, chắc hẳn, anh cũng đã nghĩ tới đối tượng khán giả trẻ?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Ý tưởng đó nảy ra từ những khó khăn của kịch bản, một kịch bản về truyền thống cách mạng nên tôi phải suy nghĩ làm thế nào để biến vở diễn thành một cuộc trao đổi giữa quá khứ và hiện tại. Thật bất ngờ và hạnh phúc khi tác phẩm được đón nhận rất nồng nhiệt, cũng bởi sự xuất hiện của những người trẻ. Gần đây có 1 bạn trẻ đã nhắn cho tôi rằng, nghệ thuật truyền thống đã ngấm vào bạn ấy và bạn ấy đã tạo nên nét đương đại từ chính nghệ thuật truyền thống. Rõ ràng, có một bộ phận giới trẻ đang lưỡng lự, chiêm nghiệm và nhìn nhận thấu đáo các giá trị nghệ thuật truyền thống.“Thầy Ba Đợi” và tình yêu nước thấm đẫm trong tim
Vậy rõ ràng là không phải giới trẻ thờ ơ, quay lưng với nghệ thuật truyền thống mà do chúng ta chưa biết cách để thu hút họ? Anh nghĩ sao về điều này?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Đúng là như thế. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải tìm mọi cách để thu hút họ, hãy làm cho họ chú ý dần dần để họ đến một lúc nào đó, đủ độ trải nghiệm, họ sẽ thích.
Vậy cần có cách nào đó, vẫn là nghệ thuật truyền thống nhưng phải là cách thể hiện mới lạ phù hợp với thời đại, nhất là hợp với thị hiếu khán giả trẻ. Điều này đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng như cá nhân anh hiện thực hóa như thế nào qua các vở diễn gần đây?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Hiện nay, nhà hát cải lương Việt Nam có hai đơn vị, một đoàn truyền thống và một đoàn thể nghiệm. Đoàn thể nghiệm sẽ là nơi thử những sáng tạo mới. Vừa rồi, chúng tôi đưa đi hội diễn một vở thể nghiệm. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nó mới lạ quá nhưng cũng có nhiều người tò mò, cần một sự thay đổi.
Các chương trình có tính tương tác, cho phép giới trẻ tìm hiểu cặn kẽ hơn về nội dung, tính đạo lý, ngôn ngữ văn học cũng như vũ đạo và trang phục… là những điều tạo nên cái hay của nghệ thuật truyền thống, thưa anh?
NSƯT Triệu Trung Kiên: Hiện nay, quá trình biểu diễn và hưởng thụ mới diễn ra một chiều, chưa có sự tham gia của người xem. Nhiều games show hiện nay đã hướng đến sự tương tác với khán giả. Do đó, chúng ta cũng nên tham khảo cho nghệ thuật truyền thống, có thể tổ chức các buổi thảo luận nhỏ sau vở diễn, đó cũng là hình thức mới nhằm thu hút khán giả trẻ./.
PV: Xin cảm ơn NSƯT Triệu Trung Kiên!Các đại biểu Quốc hội xúc động xem vở cải lương “Thầy Ba Đợi”