Sáng 1/6, triển lãm Điêu khắc gỗ hè 2015 với chủ đề “Sự tái sinh của cây gạo” khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, thu hút sự chú ý của nhiều nghệ sĩ và công chúng Thủ đô. Đây là kết quả lao động nghệ thuật miệt mài của 18 nghệ sĩ của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam ở Trại sáng tác điêu khắc “Tái sinh” trong khoảng thời gian 3 tuần. 

Điều làm nên điểm đặc biệt của triển lãm là gần 30 tác phẩm điêu khắc trưng bày đều được các nghệ sĩ tạo hình từ gỗ của một cây gạo cổ thụ bị sâu bệnh phá hoại đến chết.

img_8368_wtxn.jpg
Tác phẩm "Không gian phục sinh - cây gạo" -NĐK Nguyễn Thăng Long

Đây là một trong hai cây gạo hàng trăm tuổi, đã gắn bó mật thiết bao đời với mỗi người dân làng Đông Cao, xã Yên Lộc, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định bị chết do sâu bệnh. Trước đó, dân làng cùng các chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp, trong đó có chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu của Australia - TS Arbor Carbon Paul Barber đã nghiên cứu và tìm cách chữa trị cho cây gạo. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phải bó tay sau nhiều lần bơm thuốc cứu chữa vì cây đã bị sâu đục thân thâm nhập quá nặng.

Với mong muốn biến cái chết của cây gạo có ý nghĩa, các nghệ sĩ đã để cây gạo tái sinh trong một sự sống mới, sự sống trên các tác phẩm điêu khắc, mang thông điệp về sự khát khao cuộc sống của thiên nhiên và của con người. Trong khoảng thời gian 3 tuần, nhờ khối óc và bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ, hàng chục tác phẩm điêu khắc mang giá trị văn hóa và tâm linh từ gỗ gạo đã ra đời.

Cây gạo làng Đông Cao, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định khi còn sống. Ảnh tư liệu

Nhà điêu khắc Trần Văn An, người mang đến triển lãm tác phẩm điêu khắc “Mạch sống” chia sẻ: “Là một tác giả trong Trại sáng tác điêu khắc lần này, tôi cũng lấy một phần thân cây gạo để sáng tạo tác phẩm, với ý tưởng tạo thành một búp non vừa mới nhô lên khỏi mặt đất. Trong khoảng thời gian 20 ngày, tôi miệt mài lên ý tưởng, làm phác thảo, nuôi dưỡng cảm xúc, chau chuốt cho tác phẩm của mình.Tôi muốn gửi gắm thông điệp, cái chết không phải là chấm hết, mà vẫn được tái sinh thành tác phẩm nghệ thuật. Đó còn là những quan niệm nhân sinh, quan niệm sống của con người, cũng như của xã hội, loài vật”.

Theo nhà điêu khắc Trần Văn An, gỗ gạo không phải là chất liệu lý tưởng để sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc. Gỗ gạo thuộc nhóm gỗ tạp, hơn thế nữa, cây gạo đã tồn tại hàng trăm năm và chết vì mục ruỗng. Chính sự mục ruỗng đã tạo nên nhiều khó khăn cho các nhà điêu khắc: “Chúng tôi có những người làm việc rất vất vả, khi phải loại bỏ hết phần gỗ mục để lấy gỗ lõi thực hiện tác phẩm. Nhưng cũng có những nhà điêu khắc sử dụng chính những chỗ sâu mục ấy để gửi gắm ý tưởng của mình. Dù việc sử dụng gỗ gạo làm chất liệu điêu khắc có thể nói là hơi phí để các nhà điêu khắc đầu tư công sức, nhưng đây lại là việc làm hết sức có ý nghĩa để “tái sinh” cây gạo”.

Các tác giả tham gia "tái sinh" cây gạo

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm lần này, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ đã biến một cây gạo đã chết thành những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Các tác phẩm đều mang vẻ đẹp riêng, và điều quan trọng là khiến người xem cảm thụ và chấp nhận được cái đẹp đó. Qua đó, làm nổi bật lên giá trị của cây xanh. Một cây gỗ mục đã chết còn có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật như thế này, thì cây xanh có giá trị biết nhường nào.

Triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến ngày 6/6 tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội./. 

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Tác phẩm "Suy tưởng" - NĐK Phạm Xuân Sinh
Tác phẩm "Mùa hạ" - NĐK Nguyễn Việt Hà
Tác phẩm "Hoa gạo" - NĐK Đinh Văn Trọng
Tác phẩm "Dưới đáy đại Dương" - Hoàng Khắc Thung
Tác phẩm "Hành khất" - NĐK Đỗ Bá Quang
Tác phẩm "Mạch sống" - NĐK Trần Văn An
Tác phẩm "Đêm" - NĐK Phạm Xuân Sinh
Tác phẩm "Ngôi nhà của chúng ta" - NĐK Nguyễn Sáng
Tác phẩm "Hồi sinh" - NĐK Đỗ Bá Quang
Tác phẩm "Hồi sinh" - NĐK Lê Anh Vũ
Tác phẩm "Hạn" - NĐK Nguyễn Việt Hà
Tác phẩm "Chuyện quê" - NĐK Kù Cao Khải
Tác phẩm "Hoa sen" - NĐK Nguyễn Văn Đức