Hai hình thức, một câu chuyện. Một điêu khắc, một sơn mài, tạo ra những sản phẩm tinh thần riêng biệt, đặc biệt của mỹ thuật, gợi cho người xem nhiều suy ngẫm về các vấn đề cá nhân hay xã hội xảy ra thường nhật. Đó là nội dung của triển lãm “Ám ảnh” của họa sĩ Hà Trí Hiếu và nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ diễn ra chiều 5/7 tại Trung tâm nghệ thuật Heritage Space, Mỹ Đình, Hà Nội.
Triển lãm trưng bày 12 tác phẩm tranh hội họa, 7 bức tranh điêu khắc của hai Hà Trí Hiếu và nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ. Loạt tranh sơn mài “Ám ảnh đồng nội” của Hà Trí Hiếu, với những hình ảnh bò và thiếu nữ hát. Tranh của Hà Trí Hiếu giống như một hồi ức tập thể được đánh thức. Ám ảnh thăm thẳm trong những lớp vô thức của tâm trí, phảng phất u ẩn mà chứa nhiều mãnh lực nội tâm, hy vọng... Họa sĩ dùng hai tông mầu chủ đạo: nâu - vàng, đỏ.
Bức tranh "Gái quê với bò đội nón"
Còn nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ giới thiệu những ấn định một thao tác nghệ thuật “cắt lớp”. Những tác phẩm cắt lớp đầu người, ghế của Trần Đức Sỹ gợi nên những cảm giác rất hứng thú cho tư duy, với tham vọng phân tích một kiểu tâm lý phức tạp của con người thời đại bằng nghệ thuật điêu khắc…Tham quan triển lãm, bà Nguyễn Bích Diệp, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cảm thấy những tác phẩm này có góc nhìn họa sĩ, hai nghệ sĩ có góc nhìn lạ, độc đáo và mang đến cho người xem cảm giác lạ. Tôi ấn tượng nhất với bức điêu khắc chiếc ghế đẩu rất cao. Nó tượng trưng cho địa vị con người luôn luôn hướng tới. Con người chúng ta ai cũng bị ám ảnh phải vươn tới địa vị cao trong xã hội.
Tác phẩm điêu khắc của Trần Sỹ Đức
Nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ cho biết: hai hình thức, một câu chuyện. Một điêu khắc, một sơn mài. Tạo hình hai chiều bổ sung cho mỹ cảm ba chiều. Lý tính nâng đỡ cảm giác. Để cùng từ việc chạm đến trạng thái tinh thần phổ quát, tạo ra những sản phẩm tinh thần riêng biệt, đặc biệt của mỹ thuật, được ghi lại trong giai đoạn nhiều biến động mạnh này.
“Tôi muốn trình bày suy nghĩ của tôi về quan niệm sống, lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống. Mỗi người là nhiều mảnh ghép, sự bối rối, chọn lựa hạnh phúc, những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của con người. Tôi nghĩ rằng đó là những mảnh ghép của đời sống tạo nên một chân dung của một con người. Sau này, dùng ngôn ngữ điêu khắc của tôi ghép lại những mảnh ghép để tạo ra một chân dung cụ thể”, nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ chia sẻ.