Trưng bày giới thiệu 75 hiện vật theo 3 chủ đề: “Tượng gốm hiện thực”, “Tượng gốm tôn giáo, tín ngưỡng” và “ Tượng gốm trang trí kiến trúc”. Tượng gốm hiện thực là những sản phẩm mỹ thuật thực dụng phục vụ nhu cầu trang trí, hưởng thụ cái đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân như các loài chim, thú, vật nuôi, ấm, chén, lọ...

Tượng cặp hổ thời Lê Trung Hưng. 

Tượng gốm tôn giáo, tín ngưỡng chủ yếu là tượng Phật giáo và tượng các vị thần linh trong tín ngưỡng dân gian như Tam Đa (Phúc - Lộc - Thọ), Táo Công, Thổ Địa… Tượng gốm trang trí kiến trúc chủ yếu là tượng các linh vật như rồng, lân, nghê… được gắn trên cầu ngói, cổng làng, lăng mộ…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, việc giới thiệu chuyên đề trưng bày “Tượng gốm cổ Việt Nam” là một trong các hoạt động của bảo tàng Lịch sử Quốc gia chào mừng ngày giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 01/5, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2014), đồng thời còn là dịp tôn vinh, quảng bá di sản của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn cho hay: “Trưng bày của chúng tôi lần này có số lượng hiện vật khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đây là những hiện vật thể hiện xuất sắc sự tinh túy nhất của truyền thống nghệ thuật điêu khắc của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Có thể nói có những hiện vật niên đại sớm nhất từ thời văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu nghĩa là cách ngày nay khoảng 4.000 năm kéo dài qua các thời kỳ lịch sử tới tận cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.”

Tượng hình chim vẹt thời Lê. 

Tượng gốm cổ Việt Nam không những đa dạng về chất liệu, dòng men mà còn phong phú về hình thức thể hiện và chức năng sử dụng. Về chất liệu như gốm xốp, đất nung, sành, gốm men, sứ và hiện diện trong đủ các dòng men khác nhau như men trắng, men rạn, men nâu, men lục, men vàng, men ngọc, hoa lam, hoa nâu… Về hình thức thể hiện gồm tượng độc lập, vật dụng tạo hình theo hình thức tượng tròn, tượng trang trí…

Ông Giang Vĩnh Thái ở Hà Nội, khách tham quan bảo tàng chia sẻ: “Qua các tác phẩm này, tôi hiểu được đời sống của người Việt thế hệ trước. Có những hiện vật chứa đựng yếu tố mỹ thuật cao, có những hiện vật lại chứa đựng tài hoa của nghệ nhân, nhưng cũng có hiện vật lại chứa đựng truyền thống văn hóa đặc trưng vùng miền, đặc trưng văn hóa Việt Nam ngày trước.”

Trưng bày dự kiến phục vụ công chúng đến hết tháng 8/2014. Cũng trong dịp này, bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ giới thiệu mẫu biểu trưng mới của bảo tàng được sử dụng trong các hoạt động chuyên môn, in ấn, tuyên truyền, quảng cáo trong nước và quốc tế.

Đồng thời, ra mắt hệ thống thuyết minh tự động phục vụ đối tượng là khách tham quan đi đơn lẻ và tất cả các đối tượng có nhu cầu. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng là nơi đầu tiên áp dụng hệ thống thuyết minh tự động phục vụ du khách trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam./.