Việc xây dựng quy hoạch khảo cổ, để chuẩn bị các phương án bảo tồn, cũng như điều chỉnh trục giao thông hay hướng phát triển đô thị luôn là vấn đề được các nước phát triển trên thế giới quan tâm và tiến hành từ rất sớm. Quy hoạch khảo cổ phải đi trước xây dựng đô thị và gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên đến nay quy hoạch khảo cổ tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ở Hà Nội có những di chỉ khảo cổ có giá trị rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, khi xây dựng phát triển thành phố, không một cơ quan chức năng nào chú ý đến điều này. Năm 2010, khi thi công nút giao thông Văn Cao – Hoàng Hoa Thám, các nhà khoa học phát hiện những dấu hiệu của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ.
Năm 2011, tại khu đô thị Ciputra đã tìm thấy những ngôi mộ cổ. Đầu năm 2013, khi thi công nút giao thông Đào Tấn – Bưởi, một ngôi mộ cổ nữa cũng được tìm thấy… hay cuộc tranh luận tốn không ít giấy mực của báo chí giữa giới khảo cổ và cơ quan thi công về phương án xây cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc…
Khảo cổ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. |
Những câu chuyện trên chỉ là ví dụ gần nhất về độ vênh giữa ngành khảo cổ và công tác quy hoạch đô thị khi chưa có quy hoạch khảo cổ. Nhu cầu có một bản quy hoạch chi tiết về khảo cổ cho Thủ đô Hà Nội đã được giới nghiên cứu đề cập nhiều năm nay. Dựa trên cơ sở khảo sát thực địa và đối chiếu các tư liệu cổ, dữ liệu về hệ thống di tích dưới lòng đất sẽ được xây dựng khoa học, với các thông số chi tiết về diện tích, tính chất, hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay công tác quy hoạch khảo cổ cho thành phố vẫn chỉ nằm trên giấy.
PGS Hà Đình Đức cho hay: “Ngay ở Thủ đô Hà Nội, quy hoạch khảo cổ vẫn chỉ nằm trên giấy. Dẫn đến công tác khảo cổ luôn bị động, làm việc theo kiểu “chữa cháy”. Khi phát hiện một di chỉ trong quá trình xây dựng, dân báo lên cơ quan khảo cổ mới được thông báo đến làm việc. Ngay tại 124 Hàng Trống trụ sở của Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, tôi từng đề nghị tiến hành khảo cổ trước khi xây dựng công trình. Nhưng lời đề nghị này không được ai tán đồng. Công trình xây dựng lên có nghĩa là tất cả những di vật của thời đại trước mãi mãi nằm trong lòng đất.”
Nếu tình hình xâm phạm di tích ở Thủ đô đang gây bức xúc dư luận thì tại các địa phương, tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Cách đây nhiều năm, nhóm chuyên gia khảo cổ của Viện Khảo cổ học xuống Hải Phòng để khảo sát khu mộ thuyền Thủy Sơn. Khi biết rằng khu di tích giá trị này nằm trong hướng quy hoạch Quốc lộ 10, các chuyên gia đã khuyến cáo địa phương - để rồi khi 3 năm sau quay lại thì... đường lớn đã hoàn thành, còn khu mộ thuyền thì mất đi hoàn toàn.
Có rất nhiều trường hợp, di tích khảo cổ phát lộ trong quá trình xây dựng hoặc quy hoạch đường xá, nhưng khi các chuyên gia khảo cổ tới thì không còn gì. Theo thống kê của Viện khảo cổ cho thấy 80, 90 % các di tích liên quan tới thời đại kim khí trên toàn quốc đã bị xóa sổ hoàn toàn vì không được quy hoạch bảo vệ. Trong đó, có những di tích quan trọng như khu di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên, tỉnh Phú Thọ, Đông Sơn, Thanh Hoá hay mộ táng Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Gần như các cơ quan hành pháp luôn ít quan tâm và luôn nhận thức khảo cổ học là sự phiền toái cho họ. Đây là một nhận thức sai lầm. Chúng ta phải chứng minh rằng có sự hợp tác của những người làm khảo cổ, thực hiện đúng công tác khảo cổ quy định trong luật pháp thì chắc chắn đó là sự phát triển bền vững.”
Vấn đề xây dựng quy hoạch khảo cổ không phải là câu chuyện của ngày hôm nay, vấn đề này đã từng được lãnh đạo Thủ đô đề cập cách đấy hơn 10 năm. Viện Khảo cổ học và các cơ quan chuyên môn của thành phố được yêu cầu nghiên cứu và lập quy hoạch khảo cổ ở dạng sơ khai về hệ thống các di tích trong nội thành Hà Nội.
Nhiều người trong giới khảo cổ phản đối xây cầu vượt Đàn Xã Tắc. |
Theo Luật Di sản Văn hóa bổ sung vào năm 2010 quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Thế nhưng, suốt ngần ấy năm từ khi ra đời, quy hoạch khảo cổ vẫn chỉ là quy định nằm trên giấy.
PGS, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học cho biết: “Quy hoạch khảo cổ hiện nay vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Tại sao việc quy hoạch khảo cổ cứ phải nhắc đi nhắc lại bởi nó không có sự chuyển động. Năm ngoái chúng tôi có đề cập đến tỉnh Khánh Hoà là địa phương đầu tiên thực hiện luật di sản khi cho xây dựng quy hoạch khảo cổ trên địa bản tỉnh. Tuy nhiên khi làm xong vẫn không thấy một hồi âm gì cả, có khi lại rơi vào tính trạng làm xong bỏ đó.”
Những câu chuyện của ngành khảo cổ học trong năm qua đã cho thấy việc thiếu vắng quy hoạch khảo cổ gây tác hại lớn thế nào. Có thể lấy việc lúng túng trong giải quyết xây dựng cầu vượt Đàn Xã Tắc là ví dụ điển hình nhất. Theo PGS, Tiến sĩ Tống Trung Tín, nếu bắt tay xây dựng quy hoạch khảo cổ với sự hưởng ứng của các địa phương thì sau khoảng 10 năm chúng ta sẽ có một bản đồ quy hoạch khảo cổ học trên toàn quốc.
Quy hoạch này sẽ bổ trợ cho quy hoạch phát triển đưa đến một sự phát triển hài hoà, hợp lý. Khi có quy hoạch rồi, nếu ngành nào chuẩn bị xây dựng công trình đi qua khu vực được đánh dấu khảo cổ thì mời các nhà khảo cổ đến nghiên cứu trước. Bản thân các nhà khảo cổ cũng có thể khai quật trước những khu vực mà tương lai có thể có các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, có lẽ sẽ nhiều cái 10 năm nữa trôi qua và chúng ta vẫn chưa thể có một bản đồ quy hoạch khảo cổ tổng thể khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hưởng ứng điều này./.