Là một trong ba cơ quan nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của cả nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước và hợp tác quốc tế, tiến hành các đợt nghiên cứu và khai quật trên các vùng miền của tổ quốc. Sáng nay (31/7), Bảo tàng tổ chức hội thảo nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ trong thời gian năm 2012 – 2013 với sự tham gia của nhiều chuyên gia.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học đã được nghe báo cáo về các công trình nghiên cứu, khảo cổ trong giai đoạn 2012 – 2013, cụ thể là: Chương trình phối hợp với Bảo tàng Lạng Sơn tiến hành khảo sát di tích hang động thời Tiền sử; hợp tác với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di tích Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh); hợp tác với các chuyên gia của trường Đại học Đông Á và Saitama (Nhật Bản) khảo sát khu vực thành cổ Luy Lâu; khai quật phế tích kiến trúc thời Lý trên núi Phương Nhi thuộc quần thể bảo tháp Chương Sơn (Ý Yên, Nam Định); khai quật tàu đắm Bình Châu và khảo sát hệ thống thương cảng cổ; khảo sát, khai quật một số di tích Champa…
Khai quật tàu đắm Bình Châu là một phát hiện quan trọng của khảo cổ Việt Nam trong năm nay. (ảnh: Vnexpress) |
Trong đó, báo cáo về việc khai quật tàu đắm cổ Bình Châu – con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam thu được nhiều sự quan tâm nhất. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Tất cả các báo cáo làm rất nghiêm túc, ví dụ như báo cáo chiếc thuyền đắm…Tôi thấy tất cả các báo cáo mang lại cho người nghe hiểu được những điều mà trước đây đã phát hiện ra và còn có những điều chưa từng được đề cập đến. Những điều đó rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu, đồng thời các cán bộ giảng dạy của các trường đại học có thêm tư liệu trong vấn đề giáo dục, trong vấn đề giảng dạy cho sinh viên.”
Đánh giá tổng thể kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia năm 2012 - 2013, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm cho biết: “Trong năm 2012 – 2013, chúng ta đã thực hiện một số cuộc khai quật tương đối quy mô, được giới nghiên cứu đánh giá cao. Kết quả đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc mang tính thời sự mà khảo cổ học Việt Nam đã đặt ra.”
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tìm hiểu về các nền văn hóa, các thời kỳ trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, các vấn đề về văn hóa Champa và Óc Eo sẽ là những ưu tiên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng di sản văn hóa biển Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn đang xây dựng một quy trình nghiên cứu khảo cổ học hệ thống và đầy đủ hơn, luôn gắn nghiên cứu, khai quật với phục chế, phục dựng, sưu tầm hiện vật, nhằm hướng tới trưng bày trong và ngoài nước cùng với việc xuất bản ẩn phẩm./.