Chị Noriko tâm sự, trong những ngày này, chị vẫn không thể quen được việc thiếu vắng anh. Hướng đôi mắt buồn về phía bàn thờ, chị Noriko hồi tưởng: “Tôi còn nhớ chúng tôi quen nhau trong một buổi tiệc vào năm 1992. Lúc đó tôi là nghiên cứu sinh học tiếng Việt, còn anh ấy là nhà nghiên cứu khảo cổ. Nishimura rất thông minh, mạnh mẽ không chịu lùi bước trước bất cứ một khó khăn nào. Sau đó, chúng tôi gặp nhau tại Nam Định, cả hai thầm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Nishimura rất say mê nghiên cứu khảo cổ. Niềm say mê đó đã cuốn hút cả tôi. Chúng tôi đã đặt chân tới cả ba miền Bắc – Trung – Nam Việt Nam, tới nhiều làng bản xa xôi. Với tôi, Nishimura là người chồng lý tưởng, một người cha tuyệt vời. Anh thường tìm cá thật tươi rồi tự làm đồ ăn cho tôi và các con, thường xuyên đưa chúng đi chơi. Sự ra đi đột ngột của anh quả thật là một sự mất mát to lớn với gia đình tôi”.
Nishimura (trái) trên công trường khai quật di tích khảo cổ học Lò Gạch (Long An) |
Chiều dài lịch sử Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, từ thời kỳ cổ đại đến nay dần hiện ra và được minh chứng rõ nét qua rất nhiều công trình phát hiện, nghiên cứu khảo cổ của tiến sĩ Nishimura với đồng nghiệp Việt Nam.
Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam ghi nhận: “Nishimura là một nhà khảo cổ học ưu tú. Công tác nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, văn hóa quan trọng nhất là sự đối sánh. Nishimura là nhà khảo cổ đến từ một nền văn hóa khác. Hơn nữa, anh có điều kiện đi nhiều nước trong khu vực, có mặt tại hầu hết các khu nghiên cứu khảo cổ Việt Nam. Từ đó, anh đưa minh chứng, đối chiếu, so sánh xác đáng để kết luận các công trình nghiên cứu khảo cổ đang còn dang dở tại Việt Nam. Chính vì vậy, những đóng góp của anh trở nên vô cùng đáng quí”.
Những đóng góp của Nishimura trải trên nhiều phương diện trong khảo cổ học, trong nghiên cứu khoa học và cả trong công tác bảo tồn. Không chỉ dừng ở công tác nghiên cứu khảo cổ, Nishimura còn kêu gọi các nguồn tài trợ của Nhật Bản cho các công trình khai quật và hai công trình xây dựng bảo tàng gốm Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) và bảo tàng gốm Yên Phong (Bắc Ninh). Đặc biệt, anh cùng đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện ra khuôn đúc trống đồng Đông Sơn ở Bắc Ninh, một tư liệu vô cùng quí bổ sung cho công trình nghiên cứu của ngành khảo cổ học Việt Nam. Đây là một trong tiêu bản đầu tiên về khuôn đúc trống đồng Đông Sơn đã minh chứng, trống Đông Sơn được đúc tại chỗ, thuộc văn hóa Đông Sơn, thuộc dòng văn minh Việt cổ thời các vua Hùng .
Một công trình quan trọng khác của Nishimura và các đồng nghiệp Việt Nam là phát hiện ra khuôn đúc mũi tên đồng ở ngay đền Thượng Cổ Loa (Hà Nội), minh chứng mối liên hệ truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương với thực tế khảo cổ học. Anh còn tham gia chỉnh lý khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại. Nishimura cũng đóng góp không nhỏ trong công tác xây dựng hồ sơ di sản Thành nhà Hồ để UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, Nishimura còn tham gia hàng loạt các công trình nghiên cứu khảo cổ khác như văn hóa Oc-eo Nam bộ, văn hóa Sa huỳnh tại miền Trung và các di tích thuộc quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Nishimura diễn thuyết tại Hoàng Thành Thăng Long nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Koizumi |
Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, người đã cùng sát cánh với Nishimura trong suốt 20 năm qua bồi hồi nhớ lại kỷ niệm: “Quên làm sao được những giây phút chúng tôi cùng nghiên cứu tại làng Vạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đó là vào những năm 90 ,Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Những nhà khảo cổ học trẻ như chúng tôi với lòng nhiệt huyết say mê, làm việc suốt từ sáng tới khuya. Vì giỏi tiếng Việt nên Nishimura hòa đồng với người địa phương rất nhanh. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng anh tự bỏ tiền ra mua bút, khăn mặt, máy tính bảng biếu người dân ở làng Vạc khiến họ vô cùng cảm động. Cho đến bây giờ, mỗi khi gặp chúng tôi, người dân ở đó vẫn hỏi về tiến sĩ người Nhật có khuôn mặt cởi mở, dễ mến.
Có lần, tôi cùng Nishi xuống công trường tại Long An bên sông Vàm Cỏ, vào một nhà dân đơn sơ vách lá. Tại Đồng Tháp Mười mùa nước lên, muỗi nhiều vô kể. Nishimura sáng kiến mắc màn cùng ăn cơm. Đêm khuya mặc dù sống trên sông nước, Nishimura đã không quản ngại giúp đỡ chủ nhà đưa cháu nhỏ cấp cứu trong cơn sốt cao. Những cử chỉ đó tuy rất nhỏ song thể hiện trái tim yêu Việt Nam vô bờ bến”.
Tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mệnh một nhà khoa học đang ở tuổi chín là một sự đau đớn cho gia đình, đồng nghiệp của anh trong nghành khảo cổ học, lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Hiện nay, có một số sinh viên người Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Anh đang nghiên cứu ngôn ngữ Việt. Họ nhận là học trò của Nishimura và sẽ tiếp tục con đường cùng nghiên cứu khảo cổ Việt Nam.
Từ đâu đó trong không gian tĩnh lặng, nồng mùi khói hương, một cánh sen khẽ rơi xuống nhẹ hơn cả hơi thở. Ngoài sân, những bông hoa trắng đang rung rinh chúm chím nở dưới trăng. Ngồi bên Noriko và các con chị, tôi chợt nhận ra, trên mảnh đất quê hương còn biết bao những chuyên gia nước ngoài khác đang lặng lẽ từng ngày, từng giờ cống hiến cho sự nghiệp phát triển ngày càng hưng thịnh của Việt Nam./.
Bài thơ của một đồng nghiệp giấu tên viết tặng Nishimura:Anh Nishi ơi
Nghề của chúng ta
Là thủ thỉ với muôn người đã khuất
Người xưa dạy ta yêu từng thớ đất
Biết nếm mồ hôi trên từng hiện vật
Mồ hôi nào cũng mặn phải không anh
Để hiểu địa cầu ta thật mong manh
Mà nhón bước đi trên băng mỏng
Và cũng biết ta vô cùng bền vững
Khi chúng mình biết nắm chặt tay nhau
Mỗi bước chân anh cùng tôi đặt xuống
Trùng lên bước chân hàng triệu triệu người
Muôn vàn dấu nhẹ còn hơn hơi thở
Bíu đất này như một lá chiều rơi
Và anh đến nâng trên tay trìu trĩu
Dấu vết Lạc Hồng thăm thẳm thời gian
Mắt kính sáng nắng trưa nhiệt đới
Hồn xưa về trong hương khói chứa chan
Gió cầu Thanh Trì mưa qua Phù Đổng
Nay vắng bóng anh đăm đắm đi về
Tôi ngược bắc mỗi lần se sắt
Đã một đời nhân hậu, đam mê…