Sau cuốn tiểu thuyết lịch sử "Cậu Ấm” - tái hiện chân dung người Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đầu thế kỉ 20, nhà văn Trần Chiến tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “A đây rồi Hà Nội 7 món” là tuyển tập những bài viết của ông về văn hóa Hà Nội. 

Có lẽ, chính vì phong cách sống từ tốn, chậm rãi giữa một Hà Nội nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn có cái nhìn sâu hơn về Hà Nội. Trần Chiến viết về ẩm thực Hà Thành, viết về những con phố cũ, về kiến trúc… Ông kể về những con ngõ gợi cảm ở Hà Nội. Như là ngõ Đoàn Nhữ Hài toàn nhà thấp, ngõ Tràng An có dáng dấp tiểu tư sản điển hình, ngõ Phất Lộc ngoằn ngoèo nhất khu “Ba sáu phố phường”. Ông cũng viết về tính cách của người Hà Nội, vẫn thường được biết đến với sự thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng không chỉ nêu bật những nét đẹp trong tính cách Hà Nội, Trần Chiến còn chỉ ra những “hạn chế” như: xét nét, thiếu tính kỷ luật, dè dặt trong thái độ sống. Qua mỗi trang viết, người đọc được hình dung về Hà Nội dưới nhiều góc nhìn, nhiều màu sắc: sự ồn ào, náo nhiệt, đông đúc bởi gia tăng dân số và đằng sau đó là sự mất ổn định các giá trị, nền nếp.

a_day_roi_hn_7_mon1_cyri.jpg 
Những bài viết trong cuốn sách  “A đây rồi Hà Nội 7 món” không được viết cùng thời điểm. Có những bài viết cách đây hơn hai chục năm như “Phố và chợ” (1991), “Hà Thành ẩm thực (1992), bài mới nhất là “Hà Nội đáng thương” được viết năm 2012. Tuy vậy, những bài viết đó vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nhà văn Trần Chiến là con trai của nhà sử học nổi tiếng Trần Huy Liệu. Ông là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương của cha. Ông ngoại Trần Chiến là nhà văn, học giả Như Nguyễn Văn Ngọc, người chuyên soạn sách khảo cứu văn hóa dân tộc, dân gian. Cuốn sách “A đây rồi Hà Nội 7 món” của nhà văn Trần Chiến do Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành./.