Nam Bộ từ lâu được biết đến như một vùng đất rộng mở, chan hòa mà con người nơi ấy luôn luôn hiếu khách, thật thà chân chất. Ẩm thực Nam bộ cũng thế. Ngay từ ngày đầu đi khai hoang mở cõi, đất Nam bộ đã rộng lòng chào đón những người con xứ lạ bằng cơ man nào cá tôm, củ quả... Những ngày Tết, về với quê cha đất tổ, những món ăn từ làng quê lại khơi gợi biết bao kỷ niệm trong lòng những người bôn ba phương xa.
Bánh tét, bánh ít ngày xuân |
Tết này, Võ thị Diễm Kiều, sinh viên Đại học Cần Thơ, quê ở Đồng Tháp lại được về quê đón tết cùng gia đình sau những tháng ngày miệt mài với giảng đường đại học. Với Kiều, Tết thường đong đầy trong ký ức bằng những buổi tối cuối năm bên nồi bánh tét nghi ngút khói. Thế mới biết, Tết quê bên người thân, ấm áp biết bao nhiêu.
Trong những ngày về quê ăn Tết, Kiều chia sẻ: “Thưởng thức những món quê, em thấy ấm áp hơn. Bánh tét ngày tết em rất thích ăn. Cảm giác khi cúng ông bà xong, được ăn miếng bánh tét thì trong tâm luôn nhớ về nguồn cội”.
Sản vật của ĐBSCL được tôn vinh thành đặc sản |
Không chỉ người Việt Nam mà đối với ông Benoit Perdu- một người Pháp mà những người bạn miền Tây sông nước quen gọi là Ben đã chọn ĐBSCL là nơi sinh sống và làm việc nhiều năm nay cũng đã có những cảm nhận rất riêng về ẩm thực làng quê Nam bộ. Ben và vợ là người Hải Phòng cũng đã chọn Cần Thơ để mở Nhà hàng Nam Bộ hoạt động đã gần cả chục năm nay nấu những món ăn thuần Nam bộ như canh chua, cá kho, tép rang…cho những người Pháp sang Việt Nam du lịch.
Chiếc bánh ú gói bằng lá tre xinh xắn |
Ben đặt tên nhà hàng cho dễ nhớ, dễ nói và tỏ rõ ý muốn chọn đất này làm quê hương thứ 2. Ông cũng có những suy nghĩ rất tinh tế khi cho rằng, dưới lớp áo sặc sỡ của văn hóa ẩm thực là cái cốt lõi đạo lý tình người của dân tộc Việt “Có quá nhiều món ngon ở nông thôn ĐBSCL. Tôi đã ở đây 15 năm rồi nên món nào của vùng đất này tôi cũng khoái, cũng thích. Hồi xưa khi đi miền Bắc, miền Trung, cuối cùng định cư ở ĐBSCL một phần cũng là do những món ngon thu hút như bún riêu, chả giò. Bánh xèo cũng là một món đặc sản nổi tiếng của vùng đất này”.
Ngày xuân ở ĐBSCL, về với vùng đất Phong Điền của Cần Thơ, bên cạnh vẻ đẹp của những vườn cây ăn trái, không thể không nhắc đến đó chính là ẩm thực của địa phương. Nơi đây nổi tiếng với rất nhiều loại bánh dân gian thơm ngon nhưng có lẽ loại bánh được nhiều người biết đến và ưa thích đó là bánh hỏi mặt võng.
Món gỏi cuốn Nam bộ |
Nhiều người dân nơi đây cho biết, tên bánh bắt nguồn từ hình dáng bề ngoài, những đường bánh bắt chéo vào nhau tựa như những mắt võng, rất đẹp mắt. Ngay từ tên gọi ta đã có thể hình dung ra được hình dáng và sự khéo léo trong công đoạn thực hiện của loại bánh này.
Chị Huỳnh Thị Mỹ ở xã Nhơn Ái cho biết, để làm ra chiếc bánh hỏi ngon, đẹp mắt ăn với thịt nướng thì người thợ cũng phải thực hiện nhiều công đoạn kỳ công “đây là loại bánh truyền thống của gia đình từ mấy chục năm nay. Bánh làm bằng thủ công rất công phu vì mình rê từng rê bánh trên miếng lá do sự khéo léo của cái tay mình làm. Còn thịt kim tiền, lựa thịt nạc, ướp rồi nướng. Khi ăn kèm với rau, nước mắm chua ngọt”.
Bánh hỏi mặt võng Phong Điền ăn với thịt kim tiền |
Có thể nói, món ăn Nam Bộ đặc sắc ở chỗ nó được tạo ra, mang sắc thái riêng, hương vị ngọt ngào riêng bởi hơi đất miệt vườn mênh mông, phù sa đặc quánh. Ở những vùng quê ngày Xuân, khi thức ăn chuẩn bị trong những ngày Tết đã chóng ngán, người con xa quê được mẹ làm cho món gỏi bưởi với những gia vị có sẵn trong vườn nhà cũng là một cách thể hiện tình thương đong đầy của tình mẫu tử thiêng liêng.
Cô Lê Thị Hồng Dung, một người dân Lai Vung, Đồng Tháp hào hứng khi cho biết cách chế biến món gỏi bưởi ngày xuân “Món này từ làng quê mình. Những thứ để làm đều có ở sau vườn như rau thơm, gia vị... Bên cạnh đó cũng kết hợp những thứ mua sẵn như tôm khô, khô mực hay một miếng thịt gà xé, rồi mè… Tất cả những thứ này đều có sẵn trong nhà mình. Bưởi thì chỉ ra vườn hái”.
Gỏi bưởi miệt vườn |