Triển lãm được tổ chức bởi Báo Năng Lượng Mới phối hợp cùng Hội Thư pháp Trẻ Hà Nội, nhằm góp phần vào các hoạt động Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2013).

p1010400.jpg
Đại diện Ban tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm "Thư pháp Thơ chữ Hán của Bác Hồ"

Trong di sản văn hóa đồ sộ mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại, có 170 bài thơ chữ Hán, trong đó tập “Nhật ký trong tù” có 133 bài. Những tác phẩm thơ của Người trưng bày tại triển lãm được lấy nguyên văn trong tuyển tập “Thơ văn Hồ Chí Minh” (bao gồm cả bản chữ Hán và bản dịch) do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản vào năm 2008.

Phát biểu trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Năng Lượng Mới khẳng định: “Để thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh Danh nhân Thế giới Hồ Chí Minh, ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều đã tổ chức các cuộc triển lãm về Thư pháp thơ chữ Hán của Bác Hồ. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có buổi triển lãm nào như vậy. Vì thế, buổi triển lãm này cũng là triển lãm đầu tiên trong nước trưng bày các tác phẩm thư pháp về thơ chữ Hán của Người. Đồng thời, đây cũng là triển lãm thư pháp đầu tiên được tổ chức quy mô nhất tại Việt Nam.”

Đây là lần đầu tiên các tác phẩm thư pháp về thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được trưng bày tại Việt Nam

Các tác phẩm được trưng bày trong một không gian tiền sảnh rộng rãi, thoáng đạt. Mỗi tác phẩm đều thể hiện từng phong cách và bút pháp riêng của những thư pháp gia với những thể chữ khác nhau, như: Hành, Thảo, Kim, Triện, Ấn chương…

Với sự tham gia của 28 nhà thư pháp Việt Nam đang sinh hoạt tại Hội Thư pháp trẻ Hà Nội, cùng các nhà nghiên cứu chữ Hán Nôm hàng đầu của Việt Nam, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, triển lãm đã thu hút đông đảo nhiều người quan tâm tới văn học Hán – Nôm và yêu thích các tác phẩm thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thạc sỹ Nguyễn Quang Thắng, thành viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm phân tích ý nghĩa của những dòng thư pháp 

Đối với nhiều người, đây không chỉ là dịp để họ được trao đổi, bàn luận về nghệ thuật thư pháp trong nước mà còn là cơ hội để bày tỏ sự xúc động và tôn kính trước những tác phẩm thơ của Người.

Vào ngày 15/5, triển lãm sẽ tiếp tục được diễn ra tại sảnh Tiền Đường khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, kéo dài tới 16/5. Sau khi trưng bày, toàn bộ các tác phẩm sẽ được tặng lại cho nhà tưởng niệm Bác Hồ của Bảo tàng Hồ Chí Minh và các đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam./.