Ngày 14/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) khai mạc triển lãm "Sắc xuân". Triển lãm thư pháp này là kết quả nghiên cứu khoa học vào thực hành và sáng tác thư pháp đến đời sống của người Việt hiện đại.
Các di sản văn chương truyền thống cũng như hiện đại Việt Nam về chủ đề mùa xuân đã được chú trọng khai thác. Các tác phẩm thơ Nôm được thể hiện qua năm thể chữ là Triện, Lệ, Thảo, Hành, Khải, trong đó có một số tác phẩm chữ Nôm Triện - thể chữ chưa từng xuất hiện trong lịch sử thư pháp truyền thống nước nhà. Một số bức được viết theo kiểu chữ sắc phong thời Mạc - Lê Trung Hưng.
Đây là loại chữ thuộc thể Khải thư mà Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút coi là chữ riêng biệt của người Nam, khác hẳn với chữ Khải thư truyền thống của Trung Hoa. Các tác phẩm được thể hiện chủ yếu trên ba chất liệu là giấy gió, giấy bản và kính. Hình thức viết trên kính mang tính tiền vệ, tăng hiệu quả cảm nhận cho người xem. Đặc biệt, có một bức đại tự thư với chữ "Phi Long" được thể hiện trên bức lụa trắng dài 5m.
Các tác phẩm này do nhóm tác giả là cán bộ và cộng tác viên của Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm: Nguyễn Văn Thanh, Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng, Thiền Phong Phạm Văn Tuấn và Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương thực hiện. Tác giả Nguyễn Quang Thắng cho biết: Để có được những tác phẩm này, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu, nghiên cứu, thực hành để đưa đến cho công chúng một món ăn tinh thần trong cuộc sống hiện đại.
Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra 3 điểm mới là thể chữ sắc phong, loại chữ "đầu cong, chân kẹo". Loại chữ này chỉ viết theo lối chân phương trong văn bản quan phương nhưng chúng tôi đã sáng tạo, chuyển dịch để viết chữ Nôm với tư cách là một tác phẩm thư pháp. Nhóm là những người đầu tiên đưa thư pháp cổ điển sang viết thành những tác phẩm thư pháp để cảm nhận. Thể chữ Triện là chữ cổ chỉ xuất hiện trong chữ Hán thì nhóm đã mạnh dạn chuyển từ chữ Hán Triện sang chữ Nôm triện.Triển lãm kéo dài đến ngày 16/1./.