Thư pháp mà đặc biệt là thư pháp Việt ngày nay đang lôi cuốn không ít những bạn trẻ tìm đến. Kết hợp môn nghệ thuật cổ điển với nét phá cách của tuổi trẻ, họ đã tạo nên một thế hệ ông đồ mới – ông đồ @ - với những “anh đồ” mặc quần bò, áo phông ngồi cho chữ.

anh-1.jpg

Ông đồ Phan Văn Kiền và niềm đam mê thư pháp

Cháy bỏng niềm đam mê thư pháp

Phan Văn Kiền là một 8x năng động, không chỉ là giảng viên khoa báo chí, Đại học KHXH và NV, cộng tác viên thường xuyên của báo Tiền Phong mà anh còn là một thi sĩ và độc đáo nhất có lẽ chính là một “anh đồ”!

Khi được hỏi, là một người trẻ, tại sao anh lại theo đuổi nghệ thuật thư pháp – môn nghệ thuật vốn được coi là của những người xưa cũ, anh chỉ mỉm cười. Anh kể cho tôi nghe về những ngày tháng khó khăn khi mới ra đời của thư pháp Việt - vấp phải sự phủ nhận của những người đam mê thư pháp Hán. Họ cho rằng đây không phải là nghệ thuật chân chính, rằng chỉ có chữ Hán – chữ tượng hình mới có thể viết thư pháp. Phan Kiền lại có suy nghĩ khác. Anh tâm sự: “Người trẻ Việt biết chữ Việt từ năm 6 tuổi, họ hoàn toàn có quyền viết chữ Việt bằng nghệ thuật với sự liên tưởng sâu sắc chứ không phải chỉ viết chữ thật đẹp bằng bút bi. Nghệ thuật nằm trong sự chấp nhận của công chúng”.

Ngay từ nhỏ, khi được xem một số chữ Hán do bố viết, Phan Kiền đã bắt đầu nảy sinh niềm yêu thích thư pháp. Đến năm 2001, nhìn thấy một tờ lịch viết bằng thư pháp Việt, anh thấy rất lạ và ngay lập tức bị thu hút. Phan Kiền bỏ ý định học thư pháp Hán chuyển sang thư pháp Việt. 

Thế nhưng, ở miền quê nghèo Nghệ An lúc bấy giờ, kiếm được chiếc bút lông là điều không dễ dàng. Bởi vậy, anh đã dùng que tre vót nhọn dập nát đầu để làm ngòi bút, tập viết lên tờ nháp. Tiếp đó, anh chuyển sang dùng bút dạ (loại bút thường dùng để vẽ). Và cứ thế, với tình yêu và niềm đam mê, anh đã tự mình học hỏi rèn luyện tay nghề.

Sau này, khi xuống Vinh, anh mới có điều kiện mua 2 quyển sách dạy thư pháp Việt. Bởi vậy, với Phan Kiền, ông thầy duy nhất chính là lòng đam mê, kiên trì và 2 quyển sách.

Chữ "Mẹ" được viết theo thể Thuỷ

Những ngày còn trên giảng đường đại học, mỗi khi thấy anh cầm giấy, bút, nghiên mực, nhiều sinh viên đã chạy theo xin chữ của anh. Cũng có nhiều người theo anh học chữ, thế nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì.

Anh tâm sự: “Để đến với thư pháp Việt cần có tình yêu sâu đậm với tiếng Việt, phải biết nâng niu trân trọng từng nét chữ bởi mỗi nét chữ là một mảnh hồn Việt, phải đam mê với nghệ thuật viết chữ và đặc biệt là sự kiên trì, khổ luyện. Nếu không có sự đam mê thì không thể theo được nghiệp thư pháp”.

Bởi lẽ, với thư pháp Việt, ngay cả cách cầm bút lông thế nào cho đúng cách, cho vững tay cũng mất vài tháng đến nửa năm luyện tập. Tiếp đó, phải luyện từng nét theo bộ nét 10 chữ, rồi luyện từng chữ cái, ghép vần, viết thành câu. Nhưng như thế chưa đủ, cái khó khăn nhất là tạo bố cục cho câu trong một bức chữ làm thế nào cho hợp lý và đẹp.

Tình yêu thư pháp Việt cùng những năm tháng rèn luyện không ngừng nghỉ, Phan Kiền đã tạo dựng cho mình một phong cách viết độc đáo theo thể Thủy: Các nét chữ trong một chữ không chạy ngang theo nguyên tắc của chữ quốc ngữ  thông thường mà chạy dọc từ trên xuống dưới tựa một thác nước đang chảy. Khi anh viết, động tác hơi “cuồng”. Trước lúc đặt bút, anh thường trầm ngâm, nhưng khi đặt bút viết rồi, nét chữ lên xuống và bố cục trên giấy của anh rất nhanh.

Và cứ thế, bằng niềm đam mê cháy bỏng của mình, Phan Kiền đã góp phần giúp thư pháp Việt tồn tại và phát triển, duy trì một nét đẹp của văn hóa dân tộc để cho thư pháp không phải rơi vào “một thời vang bóng”.

Nhóm ông đồ thời @

Ông đồ @ - Sự kết hợp truyền thống và hiện đại

Nhóm “Ông đồ @” được hình thành một cách rất ngẫu hứng khi Phan Kiền – ông đồ áo phông, quần bò gặp gỡ Thanh Bình – ông đồ “quần Tây, áo sơ mi” (sinh viên Đại học Mở, bút danh Khúc độc hành) và Lương Tuấn Dũng – ông đồ mang màu áo lính (HV Biên phòng, bút danh Trúc Phong).

Ba chàng trai trẻ yêu chữ Việt ấy đã tình cờ gặp nhau trên diễn đàn honchuviet.com và phát hiện cùng là đồng hương xứ Nghệ. Từ đó, cả 3 thường tới nhà nhau trao đổi, luyện tập thư pháp. Tuấn Dũng đang học tập trong môi trường quân đội song anh vẫn tranh thủ từng ngày nghỉ để hội ngộ cùng bạn bè.

Chia sẻ về cái tên Ông đồ @, Phan Kiền bật cười thú vị. Ban đầu nhóm anh định đặt tên là Ông đồ xứ Nghệ nhưng anh thấy rằng cái tên ấy hơi “già”. Và anh đề xuất cái tên ông đồ @ để thể hiện sự hòa đồng, dân dã. Quan trọng nhất, ông đồ và @ gợi cảm giác truyền thống và hiện đại, kết hợp giữa vẻ đẹp xưa và thời đại công nghệ thông tin. Cái tên ấy cũng chính là thông điệp mà anh muốn nhắn gửi:“Những người trẻ làm ông đồ rất thú vị, họ đã tìm về truyền thống và thưởng thức cái đẹp của văn hóa truyền thống”.

Thực trạng thư pháp Việt

Phan Kiền bỗng trở nên trầm ngâm khi chia sẻ những suy nghĩ của mình về thực trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang dần lãng quên văn hóa truyền thống. Anh cho rằng bản thân người trẻ không có lỗi. Vấn đề nằm ở chỗ, họ không được trang bị bản lĩnh tiếp nhận văn hóa cần thiết, thế nên họ đã vô tình bỏ quên nền văn hóa truyền thống. Bởi vậy, cần phân tích để họ hiểu và có sự lựa chọn đúng đắn.

Một thực tế nữa, hiện nay, thư pháp Việt chưa có một hệ thống lý luận trọn vẹn đầy đủ như thư pháp Hán, chưa có sự định hướng rõ ràng về thể loại, về cách viết, ai thích thể hiện thế nào thì viết thế ấy. Phong trào thư pháp Việt tuy rầm rộ nhưng loãng, ai cũng có thể viết rồi đi bán, có tác phẩm thư pháp không có chất lượng nhưng người mua không biết.

Riêng bản thân Phan Kiền, anh đến với thư pháp bằng tình yêu, niềm đam mê chứ không định kiếm sống bằng thư pháp. Bởi thế, anh chỉ hy vọng mình có đủ đam mê tới cùng để tìm tòi, phát hiện những điều hay, sự mới lạ của nghệ thuật thư pháp. Anh cũng mong rằng, những người trẻ hãy đến với thư pháp bằng một thái độ nghiêm túc, cầu thị và một tình yêu thực sự.

Chào tạm biệt tôi, “anh đồ” quần bò áo phông ấy lại tất bật với vai trò giảng viên, cộng tác viên của mình giữa những ngày tháng 6 nóng bức của đất trời Hà Nội. Để rồi, những phút giây rảnh rỗi, anh lại cùng các bạn thả hồn theo từng con chữ với sự kiên trì không ngừng nghỉ./.