Do nhu cầu muốn có một món ăn vừa có vị thanh mát, vừa bổ dưỡng cho sức khỏe, người Mường đã sáng tạo ra món chả rau đáu. Sở dĩ nó trở thành món ăn quý là do lá rau đáu là một vị thuốc bổ rất khó trồng, mà chỉ mọc tự nhiên ở các khe suối vào thời tiết lạnh và ẩm ướt như mùa Xuân hay mùa Đông.

Điểm đặc biệt của chả rau đáu so với những món ăn khác đó là sự cẩn trọng từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến khâu chế biến. Để có được những lá rau đáu xanh tươi và đúng hương vị, người làm phải mất cả ngày trời tìm kiếm bên những khe suối trên rừng. Chính vì thế mà khách đến chơi nhà người Mường muốn thưởng thức món ăn này thì phải báo trước vài ngày để chủ nhà chuẩn bị.

charau1.jpg
Món ăn chả rau đáu của dân tộc Mường (Ảnh: Hà Thành)

Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình), món ăn này đã có từ thời xa xưa và đến nay vẫn còn được người Mường và các du khách hết sức ưa chuộng.

“Chả rau đáu là món ăn cổ truyền, từ xưa đã được người Mường sử dụng. Đây là món ăn rất đặc biệt vào dịp Tết. Cứ gần Tết là các bố, các mế đi lên rừng đến các khe suối rồi đi tìm và mang về...” -ông Bình kể.

Theo chị Trần Thị Thanh Bình, nhân viên công ty du lịch tỉnh Hòa Bình, chả rau đáu được người Mường ăn với cơm hoặc nhâm nhi với chén rượu nếp ngày cuối năm. Vị cay nóng của rượu hòa quyện với hương vị thanh mát của chả làm cho lòng người lâng lâng, xao xuyến.

Quy trình chế biến chả rau đáu cũng đòi hỏi người làm phải có sự kiên trì và cảm quan ẩm thực tinh tế. Theo ông Bùi Thanh Bình, món ăn này phải có cả thịt cả xương cả sụn, nếu chỉ có thịt không thì không ngon. Người ta băm thật nhuyễn rồi tẩm ướp gia vị, thịt thì phải có hạt tiêu, hạt sổi, hành tươi… Băm xong thì bắt đầu trộn các gia vị, trộn đều, ngâm tẩm khoảng 30-40 phút thì lấy lá rau đáu gói thành miếng chả cho vào nấu khoảng 30 phút là được.

Vị thơm mát của lá rau đáu quyện với hương vị của hạt sổi, hành khô được ướp trong thịt, cùng với cảm giác nhai giòn rụm của xương sụn đem lại cảm giác mới lạ và khó quên đối với ai đã từng một lần nếm thử.

Trong chương trình “Vui xuân Giáp Ngọ” diễn ra tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội mới đây, rất đông các bạn trẻ đến xem các nghệ nhân chế biến món ăn này.

Sau khi thưởng thức món chả rau đáu, bạn Dương Thị Ninh – sinh viên Đại học Văn hóa không giấu nổi vẻ thích thú vì "Món chả này rất mát và thơm bởi các gia vị. Trước đây, em ăn chả thì thường ăn thịt, còn ăn với xương sụn thế này thì chưa ăn bao giờ”.

Đỗ Quang Long – sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận ra sự đặc biệt của món ăn này: "Món chả rau đáu rất ngon. Sau khi ăn miếng đầu tiên, tôi đã thấy vị thanh mát của lá rau đáu, nhai kỹ thì cảm nhận được gia vị hạt tiêu, hành khô kết hợp với thịt rất tuyệt vời. Ăn xong một miếng lại cứ muốn ăn thêm mấy miếng nữa...".

Món chả rau đáu được chế biến không quá cầu kỳ và dễ thưởng thức, nhưng lại bổ dưỡng nên được người Mường ưa thích. Qua việc chế biến và thưởng thức món ăn này, chúng ta hiểu hơn về cuộc sống lao động và nếp sống bao đời của đồng bào dân tộc Mường./.