“Anh sợ làm thơ để tặng emNgười anh yêu quý nhất trần gianNhỡ ai với người yêu ai ấyĐi nói những lời anh tặng em”.(Vô đề, Rasun Gamzatov - Thúy Toàn dịch)

dich-gia-thuy-toan.jpg
Những vần thơ thật gần gũi, thoạt nghe có vẻ như giống một câu ca dao, nhưng thực ra đây lại là một bài thơ tình của nước Nga. Cả cuộc đời gắn liền với việc truyền cảm hứng các tác phẩm văn học Nga tới độc giả Việt Nam, dịch giả Thúy Toàn được xem là người góp phần xây chiếc cầu nối văn hóa hai nước Việt- Nga. Năm nay, đã ngoài 74 tuổi nhưng ông vẫn say mê và miệt mài với công việc này, và theo ông, đây là bổn phận phải làm để trả ơn nước Nga, nơi đã dạy ông nên người có ích cho xã hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, phóng viên VOV Online phỏng vấn dịch giả Thúy Toàn.

 ** Phóng viên (PV): Thưa dịch giả Thuý Toàn, lý do nào đã đưa ôngđến với nước Nga và gắn bó suốt đời với nền văn học Nga?

Dịch giả Thuý Toàn: Tôi thuộc thế hệ sinh ra là gặp Cách mạng Tháng Tám (CMT8). CMT8 có ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga. Liên Xô đối với thế hệ chúng tôi là điều rất thiêng liêng, niềm mơ ước của một đất nước thanh bình, đất nước có thể nói là có cuộc sống như một thiên đường trên trái đất lúc bấy giờ đối với thế hệ chúng tôi.

Chúng tôi đã được tiếp xúc với văn hóa của Xô Viết và những tác phẩm đầu tiên nói về văn học Nga mà các thầy cô giáo dạy dỗ làm cho chúng tôi không bao giờ quên. Những bài thơ của Simonov dịch ra và được in trên Tạp chí Văn nghệ từ những năm 1949, 1950 và những truyện Misa, Paritpalevoi mà ông Vũ Ngọc Phan dịch. Không ngờ rằng, sau hòa bình lập lại, chúng tôi lại được cử đi học ở Liên Xô và học khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Lê-nin. Có thể nói được đến nơi mình mơ ước để học tập là điều hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi và cả thời tuổi trẻ của tôi đã gắn bó ở Liên Xô.

Chúng tôi tìm thấy trong văn học Xô Viết những điều rất đặc biệt, bởi con người Nga hết sức gần gũi với người Việt Nam. Người Nga luôn ca ngợi tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Sự gần gũi ấy là trên lý tưởng chung, trên mục đích đi đến cùng tới một thế giới mới công bằng, đẹp đẽ. Người Nga với bản chất đôn hậu, chân thành, thẳng thắn và có tinh thần đoàn kết với bạn bè quốc tế.

** PV: Cảm hứng từ thiên nhiên, con người và văn hóa Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến việc dịch và sáng tác của ông?

Dịch giả Thuý Toàn: Con người Nga, thiên nhiên Nga cộng với sự gần gũi về mặt tâm tình, lý tưởng và bản chất con người giúp cho ta dễ đi đến hiểu tác phẩm. Muốn dịch được tác phẩm đúng, hay thì phải hiểu hết tác phẩm. Khi hiểu thì mới cảm được và lúc đó có thể truyền đạt được.

Tôi đã dịch nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ Cách mạng tháng Mười Nga, phần lớn là những bài thơ. Tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga (còn gọi là tinh thần đi đến một lý tưởng), để xây dựng một thế giới mới, xã hội mới tươi đẹp. Tôi nghĩ rằng đó là lý tưởng chung của loài người, cụ thể là Cách mạng Tháng Mười Nga - nó là một bước đi trong lịch sử loài người.

** PV: Trong số các tác phẩm đã dịch, tác phẩm nào ấn tượng nhất đối với ông?

Dịch giả Thuý Toàn: Là đứa con tinh thần của mình thì tác phẩm nào cũng có ý nghĩa đối với tôi, trong đó có tác phẩm của Esenin - những bài thơ ông viết sau Cách mạng Tháng Mười. Bài thơ “Bức thư gửi người đàn bà” rất đơn giản. Nội dung của bài thơ đó là: ông viết thư gửi cho người yêu cũ, người ấy đã bỏ ông bởi vì lúc đó ông hay chán nản, uống rượu và gần như là người sa xuống đáy. Thế nhưng sau đó, ông đã đứng dậy, tỉnh ra và nói rằng: Tôi đã không hiểu Cách mạng Tháng Mười, lúc tôi đi trên con thuyền Nga thì người thuyền trưởng lúc đó là Lê-nin lái trong phong ba. Nhưng tôi không hiểu. Và tôi đã chui xuống hầm tầu để uống rượu, quên hết những sóng gió đó. Nhưng trong khó khăn của lịch sử thì người cầm lái đã vững vàng tới bến. Đến nay tôi là người bạn đường trung thành của con tàu Cách mạng. Tôi biết rằng bây giờ cô đã có cuộc đời hạnh phúc khác nhưng ngày vui này (ngày kỉ niệm thành công của cách mạng) tôi xin báo cho cô biết rằng tôi không phải như trước nữa.

** PV: Thưa dịch giả, bài thơ “Bức thư gửi người đàn bà” không chỉ tác động đến một người mà cả là một thế hệ. Và ở Việt Nam giống như nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ “Từ ấy” phải không ạ? 

Dịch giả Thuý Toàn: Đúng vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”… thì “Bức thư gửi người đàn bà” cũng thế. Và  không chỉ có 1 bài thơ, mà sau này ông còn viết về những tâm trạng của lớp trí thức đi theo cách mạng.

Thế hệ chúng tôi được Nhà nước cho đi học trong khi lúc đó có nhiều người bị thiệt thòi lắm do chiến tranh. Ở nước Nga là một thời kỳ hạnh phúc, tuổi trẻ chúng tôi được sống như thế là quá hạnh phúc. Lý tưởng phơi phới, chính những lúc đó chúng tôi lại nghĩ về đất nước nhiều nhất, bởi chính văn học Nga, văn hoá Nga… đã gợi cho mình nhớ không một lúc nào, không một phút nào quên. Đọc những bài thơ của Nga với hình ảnh: ngọn cỏ, con suối hay hàng bạch dương, tuyết đầu mùa liên tưởng tới cây đa, bên nước, mái đình của quê hương mình, đến mẹ mình đi chợ…

** PV: Thưa dịch giả, để có một tác phẩm hay thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Dịch giả Thuý Toàn:Tôi nghĩ rằng dịch tức là sáng tác, mà sáng tác thì tiếng mẹ đẻ là yếu tố chính và quan trọng. Có rất nhiều người giỏi tiếng nước ngoài, giỏi tiếng Nga hay là Tiến sĩ ngôn ngữ nhưng có phải ai cũng dịch ra tác phẩm hay đâu.

Vì vậy, theo tôi, muốn học tiếng gì thì học, muốn dịch tác phẩm nào thì dịch, nhưng trước hết phải giỏi tiếng Việt, phải thuộc các câu ca dao làng quê của Việt Nam để vận dụng vào dịch.

Tiếng Việt rất đa dạng và phong phú và chúng cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chứ đừng bóp méo nó đi. Những câu thơ mà tôi dịch, được mọi người nhớ đến có lẽ phải nhờ tiếng mẹ đẻ, cám ơn những bài dân ca của quê tôi. Ví dụ như: “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng/miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ” có ai bảo đấy là câu thơ Việt Nam đâu, thực ra đó là thơ của nhà thơ người Nga Mikhail Lermontov.

Đối với tôi, kiến thức không bao giờ đủ, dù nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng tôi vẫn học và đọc sách hàng ngày. Tôi thường dạy các con, cháu, muốn học giỏi các thứ tiếng khác thì trước hết phải học giỏi tiếng mẹ đẻ. Gia đình tôi có 4 người, tất cả đều nói giỏi tiếng Nga.

** PV: Cảm ơn dịch giả Thuý Toàn về cuộc trò chuyện này!./.