Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng yên bình, mọi người khỏe mạnh là ý nghĩa của Lễ hội Tú Tỉ của đồng bào dân tộc Giấy, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây và là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Tú Tỉ ở xã San Thàng được tổ chức thường niên vào ngày 2/2 âm lịch và xuất phát từ nghi lễ tâm linh trong đời sống tinh thần lâu đời của đồng bào dân tộc Giấy. Theo tiếng Giấy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá”, từ hàng trăm năm nay người dân sống ở vùng đất này đã phải thờ cúng thổ công.
Ông Lù Văn Bình, dân tộc Giấy, ở bản San Thàng I, xã Sang Thàng cho biết: “Lễ hội Tú tí đã được duy trì từ lâu đời. Ý nghĩa của buổi lễ là cúng để bản làng yên vui, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng được mùa, xanh tươi nảy nở, cầu cho chăn nuôi và gia súc gia cầm, con người ở đất San Thàng mạnh khỏe và hạnh phúc”.
Trong phần lễ, bà con mổ lợn, giết gà làm lễ để cúng tại gốc cây to ở đầu bản. Thầy mo sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu cho người dân trong bản được mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị dịch bệnh. Ngoài phần lễ, tại lễ hội năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng như: nhảy pao pố, kéo co, bắn nỏ, chơi tó má lẹ, thi cày ruộng… thu hút hàng nghìn du khách thập phương tới chung vui.
Ông Trương Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết: Việc duy trì bản văn hóa đặc sắc của dân tộc Giấy là tiền đề để địa phương thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc và đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ hội cũng là dịp để động viên bà con tích cực thi đua, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp.
“Lễ hội Tú Tỉ nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Giấy. Đồng thời duy trì bẳn sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt trên địa bàn có bản văn hóa San Thàng. Từ đó sẽ thúc đẩy bà con tăng gia sản xuất và làm ăn kinh tế ngày càng phát triển, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới”, ông Trương Thanh Nam nói./.