Những ngày đầu năm mới, người dân nô nức tham gia rất nhiều lễ hội như một hình thức vui chơi giải trí sau một năm làm việc cực nhọc. Lễ hội từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hoá của người Việt Nam. Tuy nhiên, các lễ hội gần đây có nhiều biến tướng theo xu hướng mê tín và bạo lực. Dư luận không khỏi bàng hoàng trước cảnh “hỗn chiến” cướp lộc tại Hội Gióng (Hà Nội), tranh cướp bạo lực tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), hỗn loạn cướp lộc Đền Trần (Nam Định)…, hay những lễ hội khiến người xem rùng mình như chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), dùng búa đập trâu tới chết ở lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ)…

“Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, lễ hội ngày nay đều xuất phát từ nông nghiệp, sau mùa màng bội thu, là dịp để người dân tạ ơn thần linh, tiên tổ, hay tỏ lòng thành kính, biết ơn những người chiến đấu chống giặc ngoại xâm, những người gọi là phúc thần, thường cứu giúp dân vượt qua thiên tai, bệnh tật…, cầu bình an cho một năm mới tốt lành.

lqt_0564_clnz_gvvl.jpgTrai tráng giẫm đạp tranh nhau cướp quả phết Hiền Quan. Ảnh: Quang Trung

“Có câu thành ngữ “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, đó là đi vào hội không tránh khỏi cảnh chen nhau, xô đẩy. Cướp lộc trong lễ hội xưa là một nét đẹp văn hóa, người ta xông vào cướp, ai được lộc đem về nhà thì gặp may. Và dù có xảy ra xô xát, nhưng không đến mức đánh nhau dữ dội như bây giờ. Điều đáng lo ngại là cách hành xử thiếu kiềm chế, những hành vi bạo lực trong lễ hội ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, gợi lên sự lộn xộn, bát nháo, vô tổ chức. Con người hung hãn, sẵn sàng đánh nhau. Đây có thể nói là dấu hiệu của sự thực dụng, hay mặt trái của kinh tế thị trường. Nói rộng ra là dấu hiệu suy thoái đạo đức của một bộ phận cư dân”, GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho biết.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng cho rằng, tranh cướp trong lễ hội ngày nay giống như một cuộc chơi như không có luật, phá hoại toàn bộ những hệ thống phong tục tốt đẹp vốn có của lễ hội.

“Có hiện tượng lợi dụng lộn xộn đánh nhau. Trong phong tục có bạo lực, nhưng đó là hành vi rất đẹp, có thể xô đẩy nhau, ngã để giành lộc, chứ không phải vì ghét bỏ nhau, trả thù nhau. Thậm chí còn phi phong tục tới mức, chưa làm xong nghi thức, đã có chuyện tranh cướp hoa tre ở Hội Gióng”, ông Thịnh cho biết.

Chen lấn, cướp đồ lễ hỗn loạn trong đêm khai ấn Đền Trần. Ảnh: Quang Trung

PGS.TS Lê Trung Vũ, Viện Văn hóa Dân gian cho rằng: “Người ta cướp lộc, cướp ấn, đó là có niềm tin vào hạnh phúc “ảo”, nhưng lại tạo ra hành động thật, đó là tranh giành, dẫm đạp lên nhau. Cùng với niềm tin là thói “adua”, hùa theo tâm lý đám đông, người ta có lộc, mình cũng phải có, không có thì kém may… Đó có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn đến sự biến tướng của lễ hội”.

Tục hiến sinh trong lễ hội liệu còn phù hợp?

Việc tranh cướp trong lễ hội là hành vi bạo lực giữa người với người khiến dư luận kịch liệt lên án. Bên cạnh đó, trong lễ hội, bạo lực đối với súc vật, hay còn gọi là tục hiến sinh cũng tạo nên những luồng ý kiến trái chiều.

Chém lợn của làng Ném Thượng (Bắc Ninh), dùng búa đập trâu tới chết ở lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ), hay lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… đều có chung kịch bản máu me, các “ông ỉn”, “ông trâu” đều chung số phận là bị xẻ thịt sau khi bị “hành quyết” trước đám đông. Nhiều ý kiến cho rằng, dù đó là tập quán từ xa xưa, nhưng cũng là những hủ tục lạc hậu, cần phải loại bỏ, khi mà cuộc sống đang cần cái thiện hiện hữu ngày càng nhiều để loại bỏ cái ác.

Dân làng Ném Thượng chém lợn giữa sân đình. Ảnh: Quý Đoàn - VNExpress

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ quan điểm: “So với những gì mà học giả Phan Kế Bính mô tả về đời sống tâm linh Việt Nam trong cuốn “Việt Nam phong tục” của ông, có thể nói xã hội Việt Nam đang quay ngược trở lại đời sống tâm linh cách đây 1 thế kỷ, và đậm nét những dấu ấn đời sống tâm linh thời Trung cổ, bao chứa cả những hình thái tín ngưỡng có từ thời nguyên thủy. Đó là tục hiến sinh. Rõ ràng trong một thời đại xã hội phát triển, đó là điều mâu thuẫn”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền gọi tục hiến sinh là cổ tục, và theo ông, so với thời nay, những hành vi đó không phù hợp. Bởi thời nay, tôn giáo nhất thần đã phát triển, những giáo lý lớn phát triển, hệ thống đạo đức của xã hội phát triển, người ta không thể chấp nhận những hành vi sát thương hay đâm chém máu me một cách dã man như thế.

“Chúng ta cứ ngộ nhận tất cả những giá trị truyền thống đều tốt đẹp, đều là tinh hoa. Đó là sai. Mỗi một thời đại có một giá trị tồn tại phù hợp với thời đại đấy. Những cổ tục hiến sinh, đâm chém, máu me be bét đối với ngày nay, rõ ràng không phù hợp, mặc dù ngày xưa nó là giá trị phù hợp với thời Trung cổ”, ông nói thêm.

Các lễ hội có tục hiến sinh đều có chung kịch bản máu me, các “ông ỉn”, “ông trâu” chung số phận là bị xẻ thịt sau khi bị “hành quyết” trước đám đông. Ảnh: Bhơriu Quân

Bản thân các lễ hội đều mang chiều hướng tốt dù hình thức thể hiện có thể không phù hợp với quan niệm hiện đại. GS.TS Nguyễn Xuân Kính cũng cho rằng, cần chú ý tới thời điểm hiện nay, bởi lễ hội cũng vận động trong lịch sử, không phải nhất định giữ nguyên như thuở ban đầu. Thậm chí bây giờ, người ta có thể đưa những yếu tố mới vào. Bởi vậy, lễ hội chém lợn hay đâm trâu cũng cần phải thay đổi, để phù hợp với thời đại mà vẫn giữ được tinh thần là cầu may. Không nên đâm chém mà để gợi lên một cảm giác ghê rợn như thế.

Còn theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, truyền thống của các thế hệ đã qua đè nặng lên vai những người đang sống. Những tập tục cũ bây giờ muốn xóa đi hay thay đổi thì phải giáo dục dần dần.

“Việc tổ chức lễ hội cần thể hiện đầy đủ nguyên tắc tự nguyện, đồng thời hết sức đề phòng tính cứng nhắc trong mọi vấn đề. Lễ hội dân gian truyền thống bao giờ cũng thể hiện rõ nguyên tắc tự nguyện tham dự, tự nguyện đóng góp mọi mặt kể cả vật chất và tinh thần. Vốn được tích lũy trong quá trình lịch sử lâu dài, lễ hội truyền thống đã hình thành ý thức văn hóa sâu đậm, ý thức cộng đồng gắn bó chặt chẽ. Chính vì vậy, thật không dễ để thay đổi”, GS Hoạch cho biết.

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, những biểu hiện bạo lực trong lễ hội dù là hình thức nào thì cũng nên loại bỏ. Tiêu chí đó không phải là lễ hội, bởi lễ hội phải là nơi tạo niềm vui, hạnh phúc chứ không phải lễ hội là nơi người ta đến mua sự phiền toái. Việc xem xét, loại bỏ những lễ hội không phù hợp là cần thiết nếu nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhân dân./.