P.V: Bộ trưởng đánh giá thế nào về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay ở các địa phương?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian có 7.039 lễ hội, lễ hội lịch sử cách mạng có 332 lễ hội, lễ hội tôn giáo có 544 lễ hội... Trong hệ thống lễ hội, lễ hội dân gian chiếm 88,36% trong tổng số lễ hội và diễn ra tập trung vào mùa xuân, nhiều lễ hội chủ yếu là của các cộng đồng, do cộng đồng tổ chức và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Xác định tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống cộng đồng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các Bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý và tổ chức nhằm từng bước đưa lễ hội vào nề nếp, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai sâu rộng, quán triệt tinh thần chỉ thị số 41 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Và mới đây nhất, để tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, Thủ tướng chính phủ cũng đã có Công điện 269 yêu cầu các cấp các ngành tăng cường tổ chức quản lý các lễ hội, làm sao cho có nhiều đổi mới hơn.
So với các năm trước đây, năm nay có những ưu điểm: Các ban chỉ đạo và ban tổ chức lễ hội ý thức trách nhiệm cao hơn, đi kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi tổ chức lễ hội chặt chẽ hơn, đưa ra nhiều cảnh báo để chuẩn bị và tổ chức lễ hội thật sự văn minh, lịch sự. Các cơ quan thông tấn đại chúng ở Trung ương và địa phương đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền chỉ thị của Ban bí thư và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Qua đó đã gửi đi một thông điệp làm sao cho nhân dân ăn Tết vui tươi, đến lễ hội với một tâm thức hết sức trân trọng, trang nghiêm và cùng nâng cao ý thức để bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong văn hóa của cha ông ta. Những điểm tồn tại lâu nay như vệ sinh môi trường, hàng quán, hoạt động đổi tiền lẻ, rắc tiền lẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, những điểm tồn tại lâu nay như vệ sinh môi trường, hàng quán, hoạt động đổi tiền lẻ, rắc tiền lẻ… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vẫn còn một số nơi tồn tại, tuy nhiên trước phản ánh của báo chí, dư luận và chủ động kiểm tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay lập tức có Công điện yêu cầu các địa phương nhanh chóng chấn chỉnh việc này.
Điểm cuối cùng là năm nay, người dân đến với lễ hội khác với những năm trước. Người dân năm nay đến với lễ hội với một tâm thức rất thiêng liêng, có thái độ , trách nhiệm cao để bảo tồn, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, bảo vệ các danh lam thắng cảnh, các điểm di tích, lịch sử…
P.V:Tuy nhiên vẫn còn một số ít lễ hội diễn ra các tập tục “chém lợn”, “đâm trâu”, “cướp lộc” mang yếu tố bạo lực như báo chí đã phản ánh, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ để giảm thiểu những hành vi phản cảm trong các lễ hội sắp tới ?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tôi xin được nhấn mạnh lại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là trách nhiệm của chúng ta, tuy nhiên cũng cần phải làm rõ khái niệm thế nào là truyền thống, truyền thống cần phải có cơ sở văn hóa, khoa học. Trong trường hợp nếu một số giá trị truyền thống đến hiện tại không còn phù hợp, chứa đựng nhiều tập tục khiến dư luận bức xúc, lên án thì cũng cần phải xem xét, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp, cái gì tiến bộ hợp lý thì mình phải giữ lại, cái gì không hợp lý thì cần loại bỏ.
Về các giải pháp, ngoài việc quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong thời gian tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rà soát toàn bộ, nghiên cứu truyền thống lễ hội, nguồn gốc để tham mưu, phối hợp với địa phương, sau khi nghiên cứu sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để đánh giá lại thực chất lễ hội, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm đang được cơ quan truyền thông cũng như dư luận quan tâm.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu khoa học, ý kiến của cộng đồng, tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh thay đổi hình thức tổ chức phù hợp, đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia. Chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu về ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa, nghi thức, nghi lễ của từng di tích, lễ hội từ đó tiếp nhận và ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội…
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Việc tổ chức chấm điểm, đánh giá này xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao – Du lịch và các địa phương về việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư cũng như các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm trước đây chúng ta đánh giá về công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các địa phương chủ yếu là bằng định tính chứ không định lượng. Vì vậy, năm nay, việc triển khai chấm điểm dựa trên những thang điểm về công tác tổ chức lễ hội sẽ giúp cho các địa phương cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có điều kiện đánh giá định lượng, (tất nhiên là tương đối), để đánh giá xem xét qua một mùa lễ hội, công tác tổ chức, quản lý tại các địa phương đã chuyển biến như thế nào. Trong những tiêu chí đánh giá, chấm điểm cũng đã nêu rất rõ những nội dung, những vấn đề mà các địa phương cần phải làm.
Cụ thể như vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề hòm công đức, quản lý hòm công đức, vấn đề an ninh trật tự, vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn môi trường, văn hóa…
Có 3 điểm cần phải lưu ý: Thứ nhất là, Bộ cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phải tăng cường kiểm tra thường xuyên để đánh giá và nắm được tình hình. Thứ hai là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần nhập cuộc, phối hợp để tuyên truyền các tiêu chí này, đồng thời báo chí cũng cần giám sát, phản ánh kịp thời về tình hình thực hiện các tiêu chí đó tại các địa phương.Thứ ba, ban tổ chức cũng như ban chỉ đạo lễ hội tại các địa phương cần phải có thông tin cũng như hướng dẫn cụ thể cho người dân để họ biết được rằng năm nay chúng ta sẽ tổ chức đánh giá về công tác tổ chức lễ hội như thế nào, từ đó người dân nắm được, hiểu được, ủng hộ và tham gia, giám sát việc thực hiện các tiêu chí đó./.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.