Chỉ có duy nhất 1 tỉnh là Lozère là chuyển từ tay cánh hữu sang cánh tả. Đảng Cộng sản mất Allier, một trong 2 tỉnh mà họ kiểm soát (chỉ còn nắm Val-de-Marne). Mặc dù đạt kết quả khá tốt, giành thắng lợi ở khoảng 50 đơn vị bầu cử, song Mặt trận Quốc gia (FN) vẫn thất vọng vì cuối cùng cũng không nắm được tỉnh nào.
Theo giới phân tích, Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này bởi đã phối hợp tốt với đảng Liên minh những người dân chủ và độc lập (UDI) ở 80% đơn vị bầu cử, giành ưu thế trước một cánh tả đang phân tán.
Với thắng lợi này của UMP, uy tín của Chủ tịch đảng này là ông Nicolas Sarkozy sẽ được củng cố trước cuộc bầu cử nội bộ của UMP năm 2016, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống 2017.
Cánh tả chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu. Đảng Xã hội (PS) chỉ đứng thứ ba trong vòng một và mất quyền kiểm soát ở 30/61 tỉnh đang nắm giữ sau vòng một của cuộc bầu. Thậm chí các tỉnh được coi là căn cứ của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls là Corrèze và Essonne cũng bị rơi vào tay của cánh hữu.
Sau 3 thất bại liên tiếp tại cuộc bầu cử cấp cơ sở, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử Thượng viện Pháp, thất bại này dóng thêm một hồi chuông cảnh báo với đảng Xã hội cầm quyền trong vai trò đảng lãnh đạo và trên bước đường chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 2017. Dù đang nắm quyền, đảng Xã hội đang giảm sút vị thế vì những yếu kém trong quản lý và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh của Tổng thống F. Hollande và Thủ tướng Manuel Valls.
Với 25,12% số phiếu bầu, đảng Mặt trận quốc gia (FN) đứng ở vị trí thứ hai, sau UMP (29%) và trên PS (21,2%).Tuy không giành được thắng lợi như mong đợi ở vòng hai và không nắm quyền ở một tỉnh nào, nhưng FN vẫn giành được 50 ghế ở hội đồng các tỉnh, trong khi trước cuộc bầu, con số này chỉ là 1 ghế. Đây vẫn được coi là một thắng lợi của đảng Mặt trận Quốc gia trên bước đường dành một vị trí trên chính trường Pháp.
Thành công của đảng Mặt trận quốc gia một lần nữa khẳng định trào lưu dân tộc cực hữu đang phát triển ở Pháp và châu Âu nói chung. Điều đó xuất phát từ vấn đề người nhập cư, tình hình bất ổn do chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Nhiều người Pháp ngả sang tán thành quan điểm của FN như: chống nhập cư, chống hội nhập châu Âu, siết chặt an ninh…
Với sự nổi lên của đảng Mặt trận quốc gia, chính trường Pháp không còn đơn thuần là cuộc đối đầu giữa hai đảng chính là UMP trung hữu và PS cánh tả, mà từ nay xuất hiện thêm chân thứ ba là Mặt trận Quốc gia (FN) dân tộc cực hữu./.