Ngày 22/3, khoảng 43 triệu người dân trên khắp nước Pháp đi bỏ phiếu vòng một bầu 4108 đại biểu hội đồng tỉnh. Cuộc bầu cử lần này bị che phủ và ám ảnh bởi sự vươn lên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia trong khi uy tín của hai đảng lớn nhất là Đảng Xã hội cầm quyền và Liên minh vì phong trào nhân dân đều đang đi xuống.
Cuộc bầu cử hội đồng tỉnh sẽ gồm hai vòng ngày 22/3 và ngày 29/3 tới, dự kiến sẽ làm mới bộ mặt lãnh đạo của hội đồng 101 tỉnh của Pháp.
Các hòm phiếu được mở cửa từ 8h sáng cho đến 18h chiều, tại các thành phố nhỏ hơn, có thể kéo dài đến 19h hoặc 20h. Giới quan sát dự đoán sẽ có một số lượng lớn cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử ngày 22/3.
Điểm đáng chú ý nhất trong cách thức bầu cử là lần đầu tiên, các ứng cử viên cho một vị trí được sắp xếp theo quy định bắt buộc phải gồm 1 nam và một nữ. Cấu trúc các hội đồng được vẽ lại sau gần một năm nghiên cứu và triển khai, giảm gần một nửa trên toàn nước Pháp.
Giới báo chí đã sử dụng hình ảnh "nhật thực" cách đây vài ngày tại Paris để nói về nguy cơ vươn lên và lớn mạnh của phe cực hữu trong cuộc bầu cử lần này. Dự đoán đảng đối lập Liên minh vì phong trào nhân dân và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia sẽ là hai đối thủ mạnh nhất cạnh tranh dẫn đầu vòng một.
Đích thân Thủ tướng Pháp Manuel Valls, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây, đã phải lên tiếng bày tỏ nỗi "sợ hãi" của ông trước sự vươn lên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia.
Đảng Xã hội cầm quyền không còn giữ được khí thế và tinh thần dân tộc mạnh mẽ của cử tri Pháp sau các vụ xả súng. Trong khi đó, sự trở lại của Liên minh vì Phong trào nhân dân, trong đó có sự trở lại của cựu Tổng thống Sarkozy cũng không gây nhiều ấn tượng.
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều khả quan, tình hình an ninh không được mấy cải thiện, cử tri Pháp ngày càng chán chường và quay sang ủng hộ phong trào cực hữu. Không chỉ ở Pháp, đây cũng là một xu thế nguy hiểm ở nhiều quốc gia châu âu khác trong những năm gần đây.
Sự chia rẽ trong nội bộ phe cánh tả cũng là một thực tế khiến đảng Xã hội cầm quyền lo lắng mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử lần này. Thủ tướng Manuel Valls đã phải thừa nhận "rất khó chiến thắng" bởi sự chia rẽ trong nội bộ cánh tả tại nhiều vùng.
Tình hình kinh tế sa sút buộc chính phủ cầm quyền phải có những chính sách mang tính tự do hơn, ngày càng gần với đường lối kinh tế của phe hữu, mà Bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron là gương mặt điển hình.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc cuộc bầu cử hội đồng tỉnh được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc trong hai ngày được xem là một bước đi có nhiều rủi ro cho đảng cầm quyền. Và có thể làm bùng lên sự năng động của phe cực hữu trong một chiến dịch mang tầm quốc gia./.