“Tuyên bố của ASEAN về căng thẳng tại Biển Đông với sự nhất trí của tất cả các nước thành viên là một thành công, và một bước tiến lớn của ASEAN tại Diễn đàn khu vực ASEAN”. Đó là đánh giá của ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS). 

ong_murray_hiebert_sbxs.jpgÔng Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ

PV: Theo ông thì đâu là kết quả quan trọng nhất tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần này? 

Ông Hiebert: Có lẽ kết quả quan trọng nhất thực sự đã đạt được trước khi diễn đàn này kết thúc tại Myanmar vào cuối tuần qua. Đó là việc Trung Quốc quyết định rút giàn khoan ra khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Có nhiều lý do đã được đưa ra, nhưng tôi cho rằng yếu tố chính khiến Trung Quốc rút giàn khoan trước thời hạn là do họ muốn tránh đối đầu tại diễn đàn ARF. Trung Quốc dường như đã phản đối hầu hết các đề xuất của Mỹ, Philippines và nhiều bên liên quan khác nhưng điều quan trọng nhất là Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo. Tranh chấp tại Biển Đông là cả một quá trình đang diễn ra, là một quá trình thương thảo giữa ASEAN và Trung Quốc nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên kỳ vọng rằng sẽ có đột phá chỉ trong một cuộc họp như thế này.  

PV: Tại diễn đàn ARF lần này, ASEAN đã đưa ra một trong những tuyên bố được coi là mạnh mẽ nhất về Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc họp ARF, sử dụng cụm từ “quan ngại sâu sắc” khi đề cập tới căng thẳng tại Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về tuyên bố này?   

Ông Hiebert: “Quan ngại sâu sắc” có thể là một tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay được tất cả các nước ASEAN nhất trí đưa ra. Mỗi quốc gia ASEAN đều có quan điểm riêng về vấn đề Biển Đông nên việc tất cả các nước thành viên, cả các nước đang có tranh chấp lẫn những nước không có tranh chấp tại Biển Đông như Lào, Cambodia, Thái Lan hay Singapore thống nhất đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ như vậy có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự đoàn kết trong nội khối ASEAN. Chúng ta còn nhớ là mới chỉ cách đây 2 năm, các nước ASEAN thậm chí không ra được một tuyên bố về tình hình tại Biển Đông. Vì thế, tôi cho rằng tuyên bố tại ARF với sự nhất trí của tất cả các nước thành viên ASEAN là một thành công và một bước tiến lớn của ASEAN tại diễn đàn lần này. 

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Hiebert

PV: Tại diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị các bên tự nguyện ngừng các hoạt động khiêu khích tại Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này cũng như vai trò của Mỹ tại diễn đàn ARF?

Ông Hiebert:Tự nguyện ngừng các hoạt động khiêu khích là một đề xuất đáng chú ý của phía Mỹ, nhưng tôi cho rằng Mỹ cần thảo luận kỹ hơn với tất cả các nước ASEAN để đạt được sự ủng hộ cao đối với đề xuất này. Theo tôi, Mỹ đang đóng một vai trò hữu ích thông qua việc hỗ trợ ASEAN, hỗ trợ các quốc gia ASEAN đang có tranh chấp tìm cách giải quyết vấn đề. Tất nhiên là Trung Quốc không muốn có sự can dự của Mỹ. Họ chỉ luôn muốn giải quyết các tranh chấp một cách song phương, với riêng Việt Nam, riêng Philippines hay Malaysia. Trung Quốc không muốn đàm phán với cả khối ASEAN về vấn đề này và chắc chắn càng không muốn có sự can dự của Mỹ. 

PV: Theo ông, diễn đàn ARF lần này sẽ có tác động như thế nào đối với Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra vào tháng 11 tới?

Ông Hiebert:Có nhiều ý tưởng đang được thảo luận, và tôi nghĩ các nước Đông Nam Á và cả Mỹ sẽ phải cùng trao đổi về những bước tiến mới cũng như những đề xuất tại Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới. Ngay cả đề xuất “tự nguyện ngừng các hoạt động khiêu khích” tại Biển Đông của phía Mỹ có thể cũng cần phải điều chỉnh để đạt được sự ủng hộ cao hơn.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra chỉ 1-2 ngày sau Hội nghị APEC tại Trung Quốc và sẽ có một số nhà lãnh đạo tại châu Á-TBD tham dự cả 2 hội nghị này. Vì vậy tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cố tìm cách đảm bảo thành công của hội nghị APEC, và từ nay tới cuối năm họ sẽ không tỏ ra quá cứng rắn. Tuy nhiên, các nước liên quan vẫn cần tìm ra nhưng sáng kiến mới, tìm cách khuyến khích Trung Quốc cùng đẩy nhanh quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Đài TNVN!