Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào sẽ lên đường sang Triều Tiên với tư cách là đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuyên bố trước chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

trieu_tien_ojgx.jpg
Một quả tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Viết trên trang Twittercá nhân ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi chuyến thăm Bình Nhưỡng của đặc phái viên Trung Quốc lần này là một “bước đi lớn”. Trước đó, sau khi kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên, Tổng thống Mỹ đã có tuyên bố tổng kết chuyến đi.

Với điểm dừng chân tại Trung Quốc và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông chủ Nhà Trắng cho biết nhà lãnh đạo 2 bên đã khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sử dụng ảnh hưởng kinh tế với Triều Tiên trong giải quyết vấn đề hạt nhân. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc là yếu tố quan trọng để gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Ông Donald Trump sẽ theo dõi chặt chẽ hành động của phái đoàn Trung Quốc tới thăm Bình Nhưỡng lần này để quyết định hành động tiếp theo của mình. Hãng tin Reuters của Anh và Tân Hoa xã đều đưa tin, Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Tống Đào sẽ dẫn đầu một phái đoàn lên đường sang Triều Tiên trong ngày hôm nay (17/11).

Trung Quốc luôn kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên và đây là lần đầu tiên trong gần 2 năm qua một đặc phái viên Trung Quốc tới Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đã lên tiếng xác nhận về chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc, nhưng chưa rõ ông Tống Đào sẽ tới Triều Tiên trong thời gian bao lâu.

Trong bối cảnh, căng thẳng leo thang đỉnh điểm trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ-Hàn, phía Trung Quốc khẳng định đề xuất “ngừng đổi ngừng” là lựa tốt nhất cho vấn đề Triều Tiên. Đó là việc Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ-Hàn ngừng tập trận.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng đề xuất 'ngừng đổi ngừng' là khả thi, cân bằng và thực tế trong tình hình hiện nay.

Không chỉ giúp xoa dịu căng thẳng hiện nay, đề xuất này còn giải quyết những mối  quan ngại an ninh lớn nhất của tất cả các bên. Nó đồng thời mở ra cơ hội và tạo điều kiện để khôi phục đàm phán, tìm bước đột phá giải quyết vấn đề Triều Tiên”.

Người phát ngôn Cảnh Sảng khẳng định “ngừng đổi ngừng” mới chỉ là bước đầu. Trung Quốc hy vọng các bên cân nhắc toàn diện đều xuất này, cũng như đưa ra những kế hoạch khác có thể thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, các tuyên bố từ giới chức quân sự Mỹ vẫn nhắc đến sức mạnh quân sự trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Mỹ tại Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris khẳng định ngoại giao vẫn là nỗ lực chính để giải quyết vấn đề Triều Tiên, song giải pháp ngoại giao cần được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng cho rằng có thể có một cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử và các chương trình phát triển hạt nhân và tiên lửa của nước này./.