Theo đánh giá của giới chuyên gia, Triều Tiên chưa có hành động khiêu khích nào kể từ sau vụ phóng tên lửa qua vùng trời Nhật Bản ngày 15/9 vừa qua. Điều này đang làm gia tăng thái độ lạc quan về khả năng đàm phán nhằm giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên.

my_nhat_han_nmew.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, đánh giá về nhận định của giới chuyên gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/11 cho rằng, việc Triều Tiên tạm ngừng các vụ thử tên lửa trong gần 2 tháng qua không có nghĩa nước này đã chấm dứt chương trình vũ khí của mình, đồng thời nhận định vẫn còn quá sớm để tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nào với Triều Tiên.

Mặc dù vậy, ông Abe cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và Nga, nhằm thuyết phục Triều Tiên chấm dứt chương trình phát triển tên lửa và từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân.

“Sẽ không có đàm phán hời hợt với Triều Tiên, chúng ta cần Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình tên lửa theo cách có thể kiểm chứng được”, Thủ tướng Abe nêu rõ. “Chúng ta cần tạo ra một tình huống mà Triều Tiên phải nói rằng, họ sẽ chấm dứt chính sách hạt nhân để đàm phán với các bên liên quan”.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một tuyên bố mới đây đã nhấn mạnh, nếu Triều Tiên có thể đóng băng chương trình hạt nhân trước, sau đó tiến tới từ bỏ hoàn toàn, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế có thể thảo luận để đáp lại thiện chí này của Triều Tiên.

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 15/11 cho biết, chưa phát hiện bất cứ hoạt động bất thường nào của Triều Tiên tại khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun đánh giá việc Triều Tiên không có hành động khiêu khích lớn nào trong 2 tháng qua là “bước khởi đầu tốt” để khiến các bên cân nhắc tiến hành đàm phán trực tiếp với nước này.

Các vòng đàm phán 6 bên (với sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã đình trệ từ năm 2008 sau khi Triều Tiên rút khỏi bàn đàm phán. Phía Triều Tiên từng tuyên bố chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này không phải là điều có thể đưa ra thương lượng, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ trước các thách thức từ Mỹ./.