Trong phát biểu hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. Trong chuyến công du châu Á vừa qua, ông cũng tuyên bố rằng “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt”.
Tuy nhiên, việc quyết định có phát động chiến tranh phủ đầu nhằm vào Triều Tiên lại không nằm trong thẩm quyền của ông Trump hay bất cứ Tổng thống Mỹ nào khác. Hiến pháp Mỹ giữ toàn quyền quyết định đó cho Quốc hội nước này.
Hậu quả thảm khốc nếu vội quyết định
Nếu như ông Trump thực hiện các đe dọa của mình và ra lệnh tiến hành hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên, gần như chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ trả đũa tức thì, bắn pháo và tên lửa cấp tập về phía thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và vùng xung quanh, khiến hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng. Còn nếu Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân, thì thương vong sẽ nhanh chóng lên tới hàng triệu người.
Hàn Quốc đương nhiên sẽ không khoanh tay ngồi nhìn nếu Triều Tiên động thủ như vậy. Trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ kích hoạt kế hoạch OPLAN 5027 – một kế hoạch đã có hàng thập kỷ, với nội dung phản công dọc theo khu phi quân sự liên Triều.
Với các nghĩa vụ trong hiệp ước an ninh với Hàn Quốc, Mỹ sẽ lập tức bị cuốn vào một cuộc chiến tranh nói trên.
Với kết cục như trên, sẽ quá muộn để Quốc hội tranh cãi bất cứ điều gì. Trong trường hợp này, các nghị sĩ Mỹ sẽ khó mơ tới chuyện bỏ phiếu cắt giảm ngân sách chiến tranh khi mà binh sĩ nước họ đã giao chiến trong một cuộc chiến quy mô ở bán đảo Triều Tiên. Khi ấy, Quốc hội Mỹ rơi vào thế bị động trước Tổng tư lệnh nước Mỹ (tức Tổng thống Mỹ).
Tránh chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên chính là vì các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Mỹ, đặc biệt là khi cuộc xung đột ở đây dễ dẫn tới chiến tranh hạt nhân, cướp đi sinh mạng hàng triệu người và cũng như làm tiêu tan hàng ngàn tỷ USD thương mại.
Kết quả từ bất cứ hành động đánh phủ đầu nào nhằm tước khí giới của Triều Tiên sẽ đều xấu cả, là rất xấu ở phe này và thảm kịch ở phe kia. Không có triển vọng nào về kết quả tốt đẹp.
Quyết định phát động chiến tranh với Triều Tiên, như vậy có kết cục quá lớn đến mức không thể dành cho riêng một người đơn phương tự quyết được.
Lời răn từ các nhà sáng lập nước Mỹ
Năm 1793, James Madison, còn được biết tới là “Người Cha Hiến pháp” của Mỹ, đã giải thích vì sao những vị sáng lập nước Mỹ lại truất quyền tuyên bố chiến tranh khỏi Tổng thống nước này.
Ông Madison nhấn mạnh rằng phe hành pháp không có quyền, trong bất cứ trường hợp nào, quyết định về một vấn đề trong đại như thế.
Ảnh: Ba tàu sân bay Mỹ tập trận rầm rộ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên
Theo Madison, các nhà sáng lập quốc gia Mỹ từ chối trao quyền như thế cho Tổng thống bởi vì ông ta có thể bị cám dỗ để từ bỏ nghĩa vụ của mình và theo đuổi các lợi ích cá nhân dù có phải phản bội lợi ích của nhà nước.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng nếu Triều Tiên mà phát động một cuộc xung đột vũ trang thì Bắc Kinh sẽ giữ trung lập. Nhưng nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tiến công nhằm lật đổ chế độ chính trị ở Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ ngăn họ đạt được điều đó.
Người dân Mỹ rõ ràng không muốn nước Mỹ lâm chiến ở châu Á và họ không tin rằng tấn công quân sự là cần thiết để khống chế nguy cơ từ Triều Tiên. Họ muốn vấn đề Triều Tiên được giải quyết thông qua các biện pháp phi bạo lực.
Quốc hội Mỹ là để phục vụ người dân, nên họ có nghĩa vụ là tranh biện nghiêm túc về vấn đề chiến tranh trước khi có bất cứ hành động quân sự cụ thể nào./.