Tuyên bố trên được phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đưa ra ngày 10/2. Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết họ đã gửi yêu cầu hỗ trợ lên phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Beagle.

nam_qrzl.jpg
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam. Ảnh: AP

Trước đó, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam, đã có cuộc gặp với ông Jan Beagle nhằm yêu cầu Liên Hợp Quốc hỗ trợ đảm bảo một kênh giao dịch ngân hàng để nước này có thể đóng góp gần 184.000 USD nợ ngân sách Liên Hợp Quốc trong năm 2018.

Tuyên bố của phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc nêu rõ, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc đối với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên đã ngăn cản nước này thực hiện các nghĩa vụ của mình, với tư cách là một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bằng cách cản trở những hoạt động bình thường như đóng góp ngân sách cho Liên Hợp Quốc.

Chính phủ Mỹ bắt đầu trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên từ năm 2013, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định đưa ngân hàng này vào “danh sách đen” từ tháng 8/2017.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 nước thành viên đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên từ năm 2006 nhằm ngăn chặn các nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi giữa tuần cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Triều Tiên/.