Mỗi chuỗi các vụ thử tên lửa thành công của Triều Tiên trong thời gian qua cho thấy nước này đã gia tăng sức mạnh và trình độ công nghệ vũ khí.

ten_lua_trieu_tien_nuqr.jpg
Các loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Các bước phát triển của Triều Tiên trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự là rất nhanh chóng: Họ đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lớn nhất của mình cho tới nay vào ngày 3/9 và phóng tên lửa đạn đạo thứ 2 bay qua Nhật Bản vào ngày 15/9.

Dưới đây là một số nét chính về chương trình vũ khí của Triều Tiên, quân đội Triều Tiên cũng như lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú trong khu vực và có thể tham chiến nếu xảy ra xung đột vũ trang một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Các cuộc thử tên lửa vào năm 2017 cho thấy có khả năng Triều Tiên đang thành công trong phát triển các tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa, bao gồm cả lục địa Mỹ.

Hồi tháng 5/2017, Triều Tiên bắn thử một tên lửa Hwasong 12 mà giới phân tích tin rằng có tầm bắn lên tới 4.500km, đưa các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương vào tầm tác xạ của tên lửa Triều Tiên.

Nhưng 2 vụ thử tên lửa Hwasong-14 sau đó vào tháng 7 đã cho thấy tiềm năng phát triển vũ khí lớn hơn nữa của Triều Tiên. Rất có thể với 2 vụ thử này, Triều Tiên đã nắm trong tay công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thực thụ đầu tiên.

Các nhà phân tích tin rằng tên lửa này có thể là phiên bản 2 giai đoạn của tên lửa Hwasong-12 và có thể có tầm bắn hơn 10.000 km, tức là có thể bắn tới được cả New York (Mỹ).

Hồi tháng 8/2017, vụ thử tên lửa đạn đạo Hwasong 12 thứ hai diễn ra, trong đó tên lửa của Triều Tiên bay thẳng qua đầu Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản – “một mối đe dọa chưa từng có tiền lệ” đối với Nhật Bản. Đến ngày 15/9, Triều Tiên lặp lại vụ phóng qua không phận Nhật Bản với một tên lửa có tầm bắn xa hơn, tầm bay cao hơn so với vụ thử vào tháng 8, cho thấy một sự cải tiến đáng kể về công nghệ.

Các vụ thử trên đều thành công, trái với các lần thử thất bại tên lửa Musudan trước đó.

Nghiên cứu viên Michael Elleman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng có thể Bình Nhưỡng đã thu mua các động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng có công suất cao thông qua mạng lưới ngầm ở Nga và Ukraine.

Bình Nhưỡng trước đó đã trưng bày hai vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo, có tên KN-08 và KN-04. Cả hai quả tên lửa này đều chưa được thử nghiệm và hiện người ta chưa rõ về mối liên hệ giữa các tên lửa này với tên lửa Hwasong-12 và -14.

Bom hạt nhân Triều Tiên

Ngày 3/9 Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 – vụ thử lớn nhất trong tất cả các lần thử hạt nhân của Triều Tiên, tính từ lần đầu tiên vào năm 2006.

Vụ thử mới nhất này đã tạo ra cơn địa chấn cấp độ 6,3, gấp 10 lần rung chấn đo được trước vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên vào tháng 9/2016.

Sức công phá của vụ nổ này được ước tính dao động trong khoảng từ 100-370 kiloton. Một đương lượng nổ 100 kiloton tương đương 6 lần năng lượng giải phóng từ trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào năm 1945.

Triều Tiên tuyên bố quả bom nổ vào ngày 3/9 là vũ khí nhiệt hạch đầu tiên của họ.

Tình báo quân sự Mỹ tin rằng Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn lên một tên lửa đạn đạo.

Lực lượng quân sự Triều Tiên

Mặc dù chúng ta không rõ ngân sách quốc phòng của Triều Tiên nhưng chính sách “tiên quân” của nước này đã ưu tiên chi nhiều tiền cho quân đội hơn so với các lĩnh vực khác.

Triều Tiên sở hữu một trong các quân đội đông nhất thế giới, tuy nhiên các trang thiết bị của đội quân này nhìn chung đã cũ kỹ và lạc hậu. Mặc dù vậy các lực lượng thông thường của Triều Tiên vẫn có thể gây ra các thiệt hại lớn cho Hàn Quốc nếu nổ ra chiến tranh.

Bên cạnh lực lượng thường trực gồm hơn 1 triệu quân, và lực lượng dự bị khoảng 5 triệu, Triều Tiên còn có khoảng 200.000 lính đặc nhiệm - lực lượng này có thể xâm nhập miền nam, khai thác các mạng lưới đường hầm lớn nửa bí mật xuyên qua khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên, vươn tới phía sau tiền tuyến của Hàn Quốc và Mỹ.

Một thế mạnh khác của Triều Tiên là hàng ngàn cỗ pháo mặt đất và dàn pháo phản lực triển khai dọc theo biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc. Nhiều cỗ pháo như vậy được bố trí nằm sâu trong các vị trí bê tông chắc chắn. Một khi khai hỏa đồng loạt, số pháo này thực sự có thể giội bão lửa lên Hàn Quốc, bao gồm cả thủ đô Seoul.

Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và xung quanh

Mỹ đã hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Ngày nay sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là lớn thứ 3 trên thế giới.

Theo ước tính của ISS, khoảng 28.000 lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có gần 9.000 quân nhân thuộc lực lượng không quân. Ngoài ra Mỹ có khoảng 300 xe tăng M1 Abrams và xe thiết giáp tại đây.

Mỹ cũng đã lắp đặt hệ thống tên lửa THAAD ở Seongju (Hàn Quốc) – hệ thống này có thế bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Ngoài Hàn Quốc, Mỹ còn bố trí quân đội ở Nhật Bản – đây là nơi có đông quân Mỹ nhất (ngoài Mỹ), với quân số là 47.050 người. Đa số lực lượng Mỹ ở đây là thuộc hải quân.

Tổng hành dinh Hạm đội Bảy của Mỹ nằm ở Yokosuka (Nhật Bản). Hạm đội này triển khai khoảng 20 tàu chiến, bao gồm nhóm tàu tấn công xung quanh tàu sân bay USS Ronald Reagan được triển khai thường trực tại đây.

Bên cạnh đó, lực lượng quân sự Mỹ còn có mặt trên đảo Guam, được mô tả như tàu sân bay vĩnh cửu.

Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam là nơi đặt Không đoàn 36 (trong đó có 3 loại máy bay ném bom chiến lược B-52, B1-B Lancer và B2-Spirit).

Tin tức cho hay, hồi tháng 3 không quân Mỹ đã triển khai thêm 12 chiếc B-52 và 12 chiếc B1-B Lancer để tăng cường lực lượng trên đảo Guam.

Việc Triều Tiên nhanh chóng gia tăng sức mạnh và trình độ công nghệ vũ khí cùng với sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực khiến dư luận thêm lo ngại về khả năng bùng phát chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên./.