Đây được coi là cơ hội duy nhất để đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán, tìm kiếm một giải pháp chính trị, nhưng việc tổ chức hội nghị này đang gặp không ít trở ngại, bởi tính chất phức tạp cũng như mâu thuẫn nội bộ của lực lượng đối lập.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi hôm 20/10 cho biết Hội nghị Geneva 2 về Syria có thể sẽ được tổ chức vào ngày 23-24/11 tới tại Thụy Sĩ.

geneva_copy.jpg
Đàm phán tại Hội nghị Geneva vẫn còn nhiều khúc mắc (Ảnh AFP)

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi, ông al-Arabi cho biết: “Tôi đã thảo luận với đặc phái viên Lakhdar Brahimi về tình hình Syria và quyết định Hội nghị Geneva có thể được tổ chức vào ngày 23/11 tới và mọi công tác chuẩn bị đang được tiến hành. Nhưng cũng phải nói rằng còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua để có thể tổ chức hội nghị này”.

Ông al-Arabi cũng thừa nhận vẫn còn nhiều trở ngại trong việc tổ chức hội nghị trên, song chính phủ các nước phương Tây và Arab đang chuẩn bị gặp các thủ lĩnh phe đối lập Syria vào ngày 22/10 tới London, Anh nhằm thuyết phục họ tham dự Hội nghị. 

Về phần mình, đặc phái viên Brahimi cũng bày tỏ hy vọng có thể tổ chức Hội nghị Geneva 2 trong tháng 11 này, nhưng ông cần có thêm các cuộc thảo luận với các nước liên quan, nhất là Nga và Mỹ trước khi đưa ra thông báo cụ thể về thời gian tổ chức Hội nghị này.

Ông Brahimi tuyên bố: “Tôi sẽ tiếp tục thăm một số nước khác trước khi trở về Geneva, nơi tôi sẽ gặp các đại diện của Nga, Mỹ và các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Khi đó các bên sẽ đưa ra một thời gian biểu chính xác về tổ chức Hội nghị Geneva 2 và hy vọng sẽ được tổ chức ngay trong tháng 11 này”.

Theo ông Brahimi, Hội nghị Geneva 2 sẽ "không thể triệu tập mà không có sự tham dự của đại diện đối lập ở Syria".

Phản ứng sau những tuyên bố trên, chính phủ Syria cho biết họ Syria sẵn sàng tham dự hội nghị Geneva 2 mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Nhưng chính phủ nước này sẽ không đàm phán với “các phần tử khủng bố”, ám chỉ các phe phái vũ trang, trong đó có Mặt trận Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda được nước ngoài hậu thuẫn.

Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính phủ Syria đã cáo buộc các cường quốc quốc tế và khu vực hậu thuẫn cho lực lượng chống đối chính phủ, trong đó có nhiều tổ chức có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Cho đến nay, Hội nghị Geneva 2 được coi là sự lựa chọn sáng suốt của tất các các bên liên quan nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, như thừa nhận của đặc phái viên Brahimi, thì triển vọng tổ chức Hội nghị này sẽ gặp không ít khó khăn, hoặc khó có thể thành công khi các nhóm đối lập chưa thống nhất được với nhau để cử đại diện tham dự.

Đại diện liên minh đối lập Syria tại Mỹ cho biết, lực lượng này vẫn chưa quyết định có tham gia Hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria hay không. Còn Hội đồng Dân tộc Syria, tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ Liên minh dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria, nếu liên minh này tham gia Hội nghị Geneva 2. Đây là tổ chức đối lập được sự công nhận từ hàng loạt quốc gia Arab và phương Tây, tuy nhiên do mâu thuẫn nội bộ nên đã không thể thực hiện công việc một cách hiệu quả./.