Trong bài diễn văn được thông báo từ nhiều tháng qua và rất được chờ đợi không chỉ tại nước Pháp, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã đưa ra một loạt các đề xuất cải cách được đánh giá là rất táo bạo và tham vọng, với mục tiêu là thay đổi toàn diện Liên minh châu Âu trong 10 năm tới.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là các đề xuất về quốc phòng và an ninh. Ông Macron muốn Liên minh châu Âu có một ngân sách quốc phòng riêng, hình thành một học thuyết quân sự riêng và thành lập một lực lượng can thiệp riêng, để sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe doạ về an ninh trong khu vực.

Ngoài ra, khối này còn phải có một Học viện riêng để đào tạo và điều phối các hoạt động tình báo. Để đối phó với các đe doạ khủng bố, ông Macron đề xuất lập ra một Viện kiểm sát châu Âu chuyên xét xử các tội phạm dạng này.

tt_phap_lauv.jpg
Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đang có tham vọng thay đổi toàn diện EU trong 10 năm tới. (Ảnh minh họa: AP)
Trong lĩnh vực thể chế của Liên minh châu Âu, ông Macron công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm “1 châu Âu, nhiều tốc độ”, tức là chia 27 thành viên Liên minh châu Âu thành các nhóm khác nhau, tuỳ theo trình độ phát triển và cam kết hội nhập vào khối.

Nhóm đóng vai trò cốt lõi sẽ là các nước Tây Âu, vốn là thành viên sáng lập Liên minh, như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Luxemburg… trong khi nhóm vòng ngoài chủ yếu gồm các thành viên mới gia nhập Liên minh, mà đa số đến từ Đông Âu như Ba Lan, Hungaria hay Slovakia…

Đây vốn là một chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ mạnh mẽ giữa các thành viên Tây Âu và Đông Âu, nhưng Tổng thống Pháp tuyên bố, “việc châu Âu nhiều tốc độ đang là một hiện thực và không có gì phải sợ khi nói thẳng điều đó ra”.

Cũng liên quan đến cải cách thể chế, ông Macron đề xuất ngay từ kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu tới vào năm 2019, các cử tri châu Âu sẽ bầu theo các danh sách tranh cử liên quốc gia, thay vì theo từng nước như hiện nay, và số lượng Uỷ viên trong Uỷ ban châu Âu sẽ giảm xuống còn 15 người, tức chỉ gần một nửa so với con số 28 người hiện nay.

Đối với các chủ đề quan trọng khác, ông Macron đề xuất lập cảnh sát biên phòng của Liên minh châu Âu để kiểm soát làn sóng tị nạn. Về kinh tế, Tổng thống Pháp muốn lập một Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone, đánh thuế mạnh hơn vào các giao dịch tài chính, tăng thuế môi trường và thuế trong lĩnh vực kinh tế số nhằm tạo nguồn thu mạnh cho ngân sách của eurozone.

Tuyên bố khi đưa ra các đề xuất cải cách được đánh giá là cực kỳ tham vọng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định  hiện châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế và địa chính trị to lớn và “châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi nếu muốn tồn tại trước sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc trong các thập kỷ tới”.

Ông Macron cũng nhấn mạnh, tất cả các cải cách này đều không thể thành công nếu không có sự hợp tác Pháp-Đức và quan hệ giữa hai nước này sẽ luôn phải là đầu tàu, mang tính tiên phong nhằm vực dậy châu Âu.

Tuy nhiên, giới phân tích đều nhận định, kết quả cuộc tổng tuyển cử Liên bang mới đây tại Đức đang khiến cho các tham vọng của ông Macron gặp nhiều trở ngại hơn.

Việc đảng Dân chủ cơ đốc giáo – CDU của bà Angela Merkel thắng khiêm tốn hơn so với dự đoán khiến vị thế chính trị của đảng này và bà Merkel suy yếu và một trong các đảng dự kiến có thể liên minh với CDU là đảng Dân chủ tự do – FDP, lại phản đối rất mạnh các quan điểm về châu Âu của ông Macron.

Ngoài ra, khó khăn trong việc thành lập chính phủ liên minh khiến bà Merkel hiện không coi các cải cách châu Âu là ưu tiên hàng đầu giống như ông Macron. Phản ứng đầu tiên từ phía Đức trước bản kế hoạch của ông Macron là rất dè dặt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ tuyên bố ngắn gọn, rằng bà vẫn đang thảo luận với ông Macron và “giờ không phải là thời điểm để nói rằng điều này ổn, hay điều kia chưa ổn”./.