Với 66,1% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên của Phong trào "Tiến bước" trung dung Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu (đạt 33,9% số phiếu ủng hộ) tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 7/5.

macron_victory_qkzt.jpg
Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Thắng lợi nhờ thiên thời, địa lợi...

Với tuổi đời 39, Emmanuel Macron là người trẻ nhất trong lịch sử lên làm Tổng thống Pháp, vượt qua cả lỷ lục của Napoleon Bonaparte (trở thành Hoàng đế khi 40 tuổi). Emmanuel Macron đã thực sự trở thành "hiện tượng" trong đời sống chính trị Pháp và thế giới. Lần đầu tiên ở Pháp, một nhân vật trung dung, không thuộc các đảng cánh tả cũng như cánh hữu truyền thống lên làm Tổng thống. Chiến thắng của ông dường như hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi và phẩm chất cá nhân.

Thứ nhất, ông là người biết nhìn nhận, đánh giá tình hình và nắm bắt cơ hội khi lựa chọn vị trí trung dung ra tranh cử vào thời điểm Đảng Xã hội (PS) cánh tả đang chia rẽ sâu sắc và mất uy tín, còn cánh hữu cũng có những vấn đề riêng.

Từng là thành viên của PS và làm Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande, ông Emmanuel Macron đã không lựa chọn việc giành vị trí đại diện của PS tranh cử tổng thống Pháp qua cuộc bầu cử sơ bộ đầy khó khăn. Để thực hiện mục đích của mình, sau khi rút khỏi PS, tháng 4/2016, ông thành lập Phong trào Tiến bước và 4 tháng sau đó rút khỏi chính phủ của Tổng thống Francois Hollande để chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống.

Thực tế cho thấy, Emmanuel Macron đã tranh thủ được sự ủng hộ của một bộ phận quan trọng của cả cánh tả và cánh hữu. Tại vòng một, nhiều nhân vật gạo cội của cánh tả như Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, nguyên Thủ tướng Manuel Valls...đã chuyển sang bỏ phiếu cho ông chứ không phải cho ứng cử viên của PS Benoit Hamon như lẽ thường. Đặc biệt tại vòng hai, đồng loạt các nhân vật quan trọng của cảnh tả cũng như hữu, trước hết là những người ra tranh cử như Benoit Hamon, Francois Fillon...kêu gọi dồn phiếu cho ông.

Ngoài nước Pháp, ông đã trở thành điểm tựa cho niềm hy vọng của Liên minh châu Âu ở một thời điểm hệ trọng, khi tư tưởng hội nhập và nhất thể hóa phải đương đầu quyết liệt với hội chứng ly khai, biệt lập hóa và làn sóng cực hữu, dân túy từ sự kiện Brexit và việc Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ. Vì thế ông được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên EU.

Thứ hai, ông biết tận dụng những thế mạnh của mình là trẻ trung, có trình độ (đặc biệt là về kinh tế, lĩnh vực bức thiết nhất với dân chúng hiện nay), có ý tưởng mới, quyết đoán, nhiệt thành và trong sạch, Emmanuel Macron chiếm được thiện cảm của nhiều người về tư cách đạo đức và mang lại hy vọng cho dân chúng về khả năng đổi mới, tạo một "luồng gió mới" trong đời sống chính trị-kinh tế-xã hội Pháp.

Thứ ba, cũng cần nói Emmanuel Macron giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua vào điện Elysee một phần nhờ may mắn, như có "bàn tay của Chúa". Hầu hết các đối thủ nặng ký của các đảng cánh tả và hữu truyền thống đều dính vào các bê bối hoặc chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nội bộ khi bắt đầu cuộc tranh cử.

Từ vị trí số 1 khi mở đầu của cuộc đua, ứng cử viên đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu François Fillon bỗng "xẩy chân" khi vướng vào vụ "Pénélopgate" và không sao gượng dậy được, đành giữ vị trí thứ ba tại vòng 1. Trong khi đó, ứng viên của Đảng PS cánh tả Benoit Hamon luôn mờ nhạt, không đủ sức để tập hợp lại lực lượng của một cánh tả đang chia rẽ sâu sắc, lần đầu tiên bị xếp thứ 4 tại vòng 1 với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục (6,3% số phiếu).

Còn tại vòng 2, mọi việc dường như đã được an bài ngay từ đầu, khi chiến thắng của Emmanuel Macron được các cuộc điều tra khẳng định, do được sự ủng hộ của nhiều phía.

Thủ lĩnh FN Marine Le Pen dù có nỗ lực hết mình cũng không thể vượt qua được "ranh giới" khắc nghiệt bấy lâu nay, không thể khắc phục được thất bại của cha bà, ông Jean Marie Le Pen, người sáng lập FN, trong cuộc đối đầu với Jarque Chirac năm 2002.

Bộ mặt tươi cười, khả ái của bà trong các cuộc diễn thuyết và tranh luận cuối cùng chưa đủ để xóa đi ấn tượng xấu về một FN cực hữu, với tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chống EU. Thêm nữa, nước Pháp dường như chưa sẵn sàng chấp nhận một phụ nữ lên làm Tổng thống.

Những mục tiêu và trở ngại trước mắt

Ngay sau khi hân hoan đón nhận chiến thắng, ông Emmanuel Macron sẽ phải đương đầu với hàng loạt thách thức phía trước để khẳng định bản thân, xóa đi những chỉ trích ông chỉ là "phiên bản của Francoi Hollande", một kẻ "cơ hội và ăn may", mở ra "một trang mới" trong nền chính trị Pháp.

Thách thức đầu tiên là đoàn kết nước Pháp. Đây là thách thức lớn nhất, trước một nước Pháp đang chia rẽ sâu sắc giữa một bên là những người ủng hộ sự hội nhập, ủng hộ Liên minh châu Âu, trong đó có ông, và một bên ủng hộ việc bảo vệ bản sắc dân tộc, chỉ trích EU, với một tỷ lệ không nhỏ đã bầu cho ứng viên đảng FN cực hữu Marine Le Pen.

Thứ hai, sau lễ chuyển giao quyền lực với ông Francois Hollande tại điện Elysees ngày 14/5, tân Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải tập trung cho việc thành lập chính phủ mới. Do không thuộc một đảng phái lớn và phong trào “Tiến bước” của ông hiện không có ghế nào trong Nghị viện, ông Macron sẽ buộc phải tìm cách liên minh với các đảng phái chính trị khác.

Để điều hành theo chế độ nghị viện, ông Macron cần đảm bảo được một đa số phiếu trong Quốc hội. Cuộc bầu cử tháng 6 có thể dẫn tới hình thành một liên minh ở Quốc hội, bao gồm một nhóm cánh hữu nhỏ, một nhóm trung dung lớn, và một nhóm cánh tả bị chia rẽ. Đây là điều quen thuộc ở nhiều nước châu Âu. Nhưng ở Pháp, nơi ý thức hệ tả-hữu tồn tại từ lâu nay, thì đó sẽ là một cuộc cách mạng đích thực.

Với quyền lực biểu trưng của sự chia rẽ tả-hữu, cử tri cũng như các nhà lãnh đạo của nước Pháp từ lâu đã có xu hướng đóng khung ý thức hệ, cho hầu hết mọi vấn đề của đất nước. Công chúng và các chính trị gia chưa quen với một chính phủ dựa trên các thỏa thuận liên minh rộng rãi.

Thứ ba là vấn đề việc làm và luật lao động. Ông Macron đặt mục tiêu cắt giảm thất nghiệp từ 10% hiện nay xuống còn 7% bằng cách thay đổi luật tuyển dụng, nới lỏng hạn mức về giờ làm việc của Pháp.

Ông Macron cam kết sẽ cải cách luật lao động bằng các sắc lệnh hành pháp ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền. Sự thúc đẩy quy trình này có thể gây phản ứng của các công đoàn  với các biểu tình như đã từng xảy ra năm qua.

Thách thức thứ tư là chống khủng bố. Ít kinh nghiệm, ông Macron cần phải nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh trong vấn đề hóc búa này, với vai trò là Tổng tư lệnh của nước Pháp.

Nỗi lo khủng bố vẫn luôn thường trực. Hơn 230 người đã chết sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp kể từ tháng 1/2015. Ngay trước vòng bỏ phiếu đầu tiên, một vụ xả súng ở đại lộ Champs-Elysees ở trung tâm Paris khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Thách thức cuối cùng là cải cách EU. Thắng lợi của ông Macron khiến EU thở phào nhẹ nhõm. Ông Macron coi trọng việc cải cách và chấn hưng EU, trong đó củng cố trục Pháp - Đức là vấn đề then chốt. Đức sẽ là nước được ông lựa chọn trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên./.