Thay “cha đỡ đầu’’
Tham vọng tiếp cận chiếc ghế quyền lực nhất nước Pháp của Emmanuel Macron chính thức bắt đầu vào ngày 6/4/2016. Ngày đó, ông Macron tổ chức một buổi mít tinh lớn tại Paris để cho ra mắt phong trào có tên gọi En Marche! (Tiến bước!). Nhưng, để tránh những ánh mắt hoài nghi quá sớm từ phía nội các, mà khi đó Macron vẫn đang là một thành viên, và nhất là từ phía đội ngũ cố vấn của Tổng thống Francois Hollande, ông Macron phải tìm cách che giấu.
Ông Emmanuel Macron bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1. (Ảnh: Getty) |
Buổi ra mắt vừa kết thúc, ông Macron gửi cho ông Hollande, người được coi như cha đỡ đầu của mình về mặt chính trị, một tin nhắn: “Tôi vừa lập một phong trào dành cho giới trẻ, một dạng think-tank”. Ông Hollande chấp nhận, không hào hứng gì, nhưng cũng không nghi kỵ.
Cho đến tận thời điểm này, mối quan hệ Macron-Hollande vẫn là một trong những chủ đề bí ẩn nhưng nhiều sức hút nhất đối với những ai quan tâm đến nội tình chính trường Pháp. Những nhân vật thân cận của Hollande kể lại trên mặt báo rằng ông Hollande đã lặng người khi nghe tin Macron từ chức Bộ trưởng Kinh tế đầu tháng 9/2016 để chuẩn bị ra tranh cử Tổng thống, và rồi chỉ thốt lên một câu: “Cậu ta đã phản bội tôi một cách quá bài bản”.
Nhưng dù cay đắng đến mấy, ông Hollande vẫn không ghét bỏ được Emmanuel Macron. Từ kín đáo đến công khai, rất nhiều nhân vật thân cận trong chính quyền của ông Hollande, như Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal, Bộ trưởng Quốc phòng Jean Yves Le Drian, Thủ tướng Bernard Cazeneuve… được bật đèn xanh ủng hộ Macron, ngay từ thời điểm cánh tả và đảng Xã hội vẫn còn đang chọn ứng cử viên đại diện ra tranh cử.
Trong vài ngày tới, sẽ đến lượt ông Hollande chính thức lên tiếng về sự lựa chọn của mình: Emmanuel Macron, không thể khác được. Không chỉ vì ủng hộ nhân vật cực hữu Marine Le Pen là điều không thể có trong suy nghĩ của một Tổng thống Pháp đương nhiệm mà còn bởi ông Macron được chính ông Hollande coi là bản sao của mình thời trẻ, dù ‘’bản sao’’ này rõ ràng là đang tiến chiếm đỉnh cao quyền lực một cách ngoạn mục hơn nhiều.Ứng viên Tổng thống sáng giá Macron và “con đường tiến lên” của Pháp
Cầm quyền kiểu mới?
Trong mọi kịch bản được các nhà phân tích chính trị Pháp đưa ra cho vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nếu phải đối đầu với bà Marine Le Pen, bất cứ ai trong số các ứng cử viên Emmanuel Macron, Francois Fillon hay Jean-Luc Melenchon cũng đều có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Trong số này, Emmanuel Macron được dự đoán sẽ thắng áp đảo nhất, với số phiếu bầu có thể giành được từ 66-70%. Vì thế, dù vẫn còn không ít bất trắc phía trước do tính bất định tương đối từ cử tri Pháp năm nay, khả năng Emmanuel Macron trở thành tân Tổng thống Pháp vào ngày 7/5 tới là cực kỳ lớn.
Nhưng ngoài tuổi trẻ và chi tiết thú vị về đời sống hôn nhân cùng người vợ vốn là cô giáo hơn mình đến 24 tuổi, thực sự thì Emmanuel Macron dự định làm những gì một khi trở thành người đứng đầu nước Pháp?
So với tất cả các đối thủ, ông Macron là người đưa ra chương trình tranh cử muộn nhất (đầu tháng 3/2017) và chương trình này được tóm gọn lại trong 6 phương hướng hành động chính: văn hóa và giáo dục, xã hội việc làm, hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường an ninh cho nước Pháp, đổi mới nền dân chủ và đối ngoại tích cực.
Ông Macron và người vợ vốn là cô giáo hơn mình đến 24 tuổi. (Ảnh: Getty) |
Về cụ thể, các ưu tiên chính sách nổi bật ông Macron trong lĩnh vực quản lý nhà nước và việc làm gồm: đầu tư công 50 tỷ euro, cắt giảm 60 tỷ euro thâm hụt ngân sách trong thời gian 5 năm, giảm 120.000 việc làm công chức nhà nước, giảm sự trợ cấp tài chính từ trung ương cho các chính quyền địa phương.
Ngoài ra, ông Macron cũng muốn xóa bỏ các loại thuế, phí đối với những người hưởng lương tối thiểu (SMIC) hay bỏ hoàn toàn trợ cấp thất nghiệp nếu người thất nghiệp 2 lần từ chối nhận công việc mới. 80% công dân Pháp cũng được hứa hẹn sẽ không còn phải đóng thuế cư trú.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông Macron chủ trương tuyển thêm 4.000-5.000 giáo viên mới, tăng sự tự chủ cho các cấp địa phương trong việc sắp xếp lịch học và nghỉ, tăng trợ cấp cho các giáo viên giảng dạy ở các khu vực ưu tiên (ZEP) và cấm hoàn toàn điện thoại di động trong khu vực trường học cấp 1 và cấp 2.
Về an ninh, Emmanuel Macron đề xuất tuyển thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh, tạo thêm 15.000 chỗ giam giữ trong các nhà tù, đồng thời xây dựng một lực lượng 5.000 cảnh sát biên phòng để tuần tra các đường biên giới châu Âu.
Là người ủng hộ mạnh mẽ hợp tác và liên kết châu Âu, ông Macron hứa tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP theo yêu cầu từ NATO, lập một Quỹ tài trợ nghiên cứu trang bị quốc phòng chung cho châu Âu và lập một Tổng hành dinh thường trực của châu Âu về quốc phòng. Mối quan hệ Pháp-Đức cũng được ông Macron đánh giá là có tính sống còn để vực dậy châu Âu và sau cuộc bầu cử tháng 9/2017 tại Đức, ông Macron đề xuất tất cả các thành viên Liên minh châu Âu ký kết một Hiệp ước dân chủ nhằm siết chặt đội ngũ và loại bỏ các nước có xu hướng ly khai.
Trong con mắt của các đối thủ, chương trình tranh cử của ông Macron bị công kích là “được thiết kế để làm thỏa mãn tất cả mọi người’’ nhưng ông Macron đáp trả rằng, vượt lên trên những chi tiết cụ thể và các con số, điều ông muốn là đưa ra một tầm nhìn mới và một phương thức lãnh đạo mới không mang tính đảng phái, tả-hữu như truyền thống chính trị Pháp.
Nếu ông Macron chiến thắng ngày 7/5 tới, nước Pháp sẽ có cơ hội thử nghiệm tầm nhìn mới mẻ của nhân vật tài năng được giới tài chính Paris đặt cho biệt danh ‘’Mozart’’ này./.Hình ảnh bầu cử Tổng thống Pháp: "Cuộc chiến song mã" trong vòng 2