Một thiên tài được biết đến với biệt danh “Lady Gaga của làng toán học”. Một “phù thủy” công nghệ tự học. Một nữ vận động viên bóng ném chuyên nghiệp. Một nhà kinh tế học mới 27 tuổi vốn là trẻ mồ côi sau thảm họa diệt chủng ở Rwanda. Đó là những gương mặt mới nhất trong Quốc hội Pháp. Họ trẻ, đa dạng với kinh nghiệm chính trường gần như là con số “0” tròn chĩnh."Lady Gaga của làng toán học" Cédric Villani (phải) trò chuyện thân mật cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái). Ảnh: Getty Images.
Chiêu mộ những ứng viên này là một phần chủ chốt trong chiến lược của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm “tân trang” bộ máy lãnh đạo của đất nước. Như Amélie de Montchalin, người vừa trúng cử vào Quốc hội Pháp lần đầu ở tuổi 32, nhận xét, ông Macron đã thu hút được những “quái kiệt” này tranh cử bằng việc hứa hẹn sẽ ưu tiên kỹ năng hơn là sự trung thành hay kinh nghiệm chính trị.
“Lady Gaga của làng toán học” Cédric Villani
Cédric Villani sinh năm 1973, là Giáo sư Trường Đại học Lyon 1 và Giám đốc Học viện Toán học Henry Poincaré tại Paris.
Công chúng Việt Nam có thể từng nghe đến cái tên Cédric Villani trước đây khi ông cùng Giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia một hội thảo bàn tròn về giáo dục tại L’Espace, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội hồi tháng 8/2015. Được trao Huy chương Fields (tương đương với giải Nobel toán học) vào năm 2010, hai giáo sư đều được coi là “ngôi sao” của làng toán học thế giới và giữ một vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, tại Pháp cũng như tại Việt Nam.
Trước khi giành tới gần 70% số phiếu tại một vùng ngoại ô miền Nam thủ đô Paris trong cuộc bầu cử vừa qua ở Pháp, thiên tài toán học 44 tuổi này đã tỏ ra nổi bật hơn hàng trăm ứng cử viên khác khi luôn xuất hiện rất thời thượng tại các sự kiện với chiếc nơ lụa quá khổ có màu sắc tươi sáng kết hợp với áo vét thêu một chú nhện khổng lồ.
Chiếc nơ lụa quá khổ là "tuyên ngôn hình ảnh" của thiên tài toán học vừa đắc cử vào Quốc hội Pháp Villani. Ảnh: Getty Images. |
Thường được gọi là “Lady Gaga” của làng toán học, Villani đã du ngoạn khắp thế giới để thuyết phục mọi người rằng toán học thực sự rất “gợi cảm”. Ngoài Huy chương Fields, ông còn được trao tặng huy chương danh dự quốc gia Pháp năm 2011. Đây là sự tôn vinh cao nhất đối với một công dân Pháp.
Trước đó, ông Villani vẫn chưa tỏ ra quan tâm đến chính trị lắm. Chỉ đến thời gian gần đây, trong một cuộc phỏng vấn, nhà toán học này mới tiết lộ ông đã được truyền cảm hứng để tham gia cuộc bầu cử này vì có cơ hội được làm việc với một chính phủ của Tổng thống Macron trẻ trung hơn và trung dung hơn.
“Cùng với những người có thiện chí khác, chúng ta có thể làm điều gì đó” – ông nói.
“Phù thủy” công nghệ thông tin tự học Mounir Mahjoubi
Ông Mounir Mahjoubi, 33 tuổi, con trai một người nhập cư gốc Morocco, là thành viên trẻ nhất trong Nội các của Tổng thống Macron, đảm nhận chức Quốc vụ khanh phụ trách công nghệ số.
“Phù thủy” công nghệ thông tin tự học Mounir Mahjoubi. Ảnh: Getty Images. |
Không phải ngẫu nhiên một người không có kinh nghiệm chính trị gì trước thềm cuộc bầu cử này lại dẫn dắt các chiến lược trên không gian mạng của Tổng thống Macron.
Ông Mounir Mahjoubi từng trợ giúp ông Macron rất tích cực trong việc live-stream (truyền hình trực tiếp) các hoạt động tranh cử và khiến nó trở nên chân thực, gần gũi. Một lần, ông Macron bước thẳng vào giữa đám đông công nhân nhà máy đang giận dữ, hô vang khẩu hiệu ủng hộ đối thủ Marine Le Pen. Ứng viên Macron khi đó đã lắng nghe và nói chuyện với họ, giải thích rằng vì sao kể cả bà Le Pen cũng chẳng ngăn được việc nhà máy này bị đóng cửa và cuối cùng đã thuyết phục được đám đông người biểu tình.
Chiến lược tranh cử trên không gian mạng đó tỏ ra hiệu quả và ông Macron trở thành người có nhiều live-stream video nhất trong các ứng viên. Một số video của ông thu hút hàng triệu người xem.
Nhưng hơn hết, “phù thủy” công nghệ thông tin Mounir Mahjoubi trở thành thân tín của Tổng thống Macron là nhờ việc ngăn chặn được nỗ lực xâm nhập và đánh cắp dữ liệu của ông chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử.
Mounir Mahjoubi cũng là một trong số ít các đại diện chính trị cho những người nhập cư và cộng đồng thiểu số ở Pháp, một đất nước mà lâu nay người nhập cư luôn phải vật lộn để hòa nhập.
Tờ Guardian (Anh) miêu tả, ông Mounir Mahjoubi đến từ một thế giới thường bị xem là vô hình đối với tầng lớp da trắng thượng lưu Pháp vốn áp đảo tại Quốc hội.
Khi còn nhỏ, Mounir Mahjoubi đã lang thang khắp Paris để sử dụng máy tính miễn phí ở các bảo tàng. Lớn lên, nhận ra rằng cái tên nghe đậm chất Arab của mình khiến các nhà tuyển dụng ái ngại, ông quyết định gia nhập làng doanh nhân khởi nghiệp.
Nhưng không có kinh nghiệm nào như khi ông làm kỹ thuật viên cho một trung tâm điện thoại dịch vụ khách hàng lúc mới mười mấy tuổi.
“Tôi học từ cuộc đời”, Mounir Mahjoubi kể về quãng thời gian làm ở đây. “Bởi vì với 9.000 cuộc gọi, đó là 9.000 cuộc sống mà bạn can thiệp vào – nó khiến bạn khiêm nhường. Bạn lắng nghe, bạn giúp đỡ.”
Mounir Mahjoubi cũng từng làm bán thời gian tại Club Internet, nhà cung cấp dịch vụ internet đầu tiên của Pháp khi mới 16 tuổi. Ông ở lại đó 8 năm, vừa làm vừa học hết bằng luật và kinh doanh.
Nữ vận động viên bóng ném chuyên nghiệp Aude Amadou
Aude Amadou là vận động viên bóng ném chuyên nghiệp từ khi 17 tuổi và luôn giữ vị trí đội trưởng các ở Nice và Toulun Saint-Syr. Nay, ở tuổi 37, Aude Amadou giải nghệ và tập trung vào vai trò mới của bà tại Quốc hội, điều mà bà cho rằng cần sự toàn tâm toàn ý của mình.
Nữ vận động viên bóng ném chuyên nghiệp Aude Amadou. Ảnh: Getty Images. |
Giống như nhiều ứng viên “ngoại đạo” khác, Aude Amadou không có hứng thú mãnh liệt với hoạt động chính trị trước cuộc bầu cử này nhưng đã bị thu hút bởi phong trào mà nhà lãnh đạo trẻ Emmanuel Macron khởi xướng. Bà cho rằng cương lĩnh của ông Macron “đã giành lại những giá trị cho thể thao, tinh thần và đồng đội”.
Nhà kinh tế “mồ côi” Hervé Berville
Hervé Berville trở thành trẻ mồ côi sau thảm họa diệt chủng ở Rwanda và được một cặp đôi ở Brittany nhận nuôi khi mới 4 tuổi. Ông tốt nghiệp trường Kinh tế và Khoa học chính trị London.
Nhà kinh tế “mồ côi” Hervé Berville gốc Rwanda. Ảnh: Getty Images. |
Năm ngoái, Hervé Berville vẫn còn làm việc với tư cách là một nhà nghiên cứu cho Đại học Stanford tại Kenya nhưng rồi đột ngột tham gia vào chính trường khi nhận ra sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy sau sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
“Một ngày sau khi ông Donald Trump được bầu hồi tháng 11, tôi đã gác lại công việc để trở lại Pháp”, ông Hervé Berville cho biết.
Mới 27 tuổi nhưng nhà kinh tế học Hervé Berville chưa phải là ứng viên trẻ nhất thuộc đảng Tiến bước (En Marche) của Tổng thống Macron được bầu. Vinh dự đó thuộc về cô Typhanie Degois, sinh năm 1993. Cô đã đánh bại ứng viên bảo thủ Dominique Dord của đảng Cộng hòa, người tham gia Quốc hội từ năm 1997, khi Typhanie Degois mới… 4 tuổi.
Những gương mặt “độc, lạ” khác dưới trướng Macron
Đó là Marie Sara, cựu đấu sĩ bò tót, người để thua sít sao trong nỗ lực lật đổ chiếc ghế của đảng Mặt trận quốc gia (FN); là Marion Muchet, một cựu nữ phi công chiến đấu không thể đánh bại một thành viên kỳ cựu của đảng Xã hội; là Isabelle Laeng (còn có biệt danh là Cindy Lee), một cựu vũ công thoát y từng tranh cử tổng thống năm 2012 dù chỉ nhận được 200 phiếu bầu.
Poster vận động của bà Isabelle Laeng năm 2012. Ảnh: Getty Images. |
Tổng thống Macron đã mạo hiểm khi ông quyết định chiêu mộ những ứng viên có quá ít kinh nghiệm chính trị nhưng ông lại được đền đáp khi đảng Tiến bước giành đa số tuyệt đối. Giờ đây là lúc ông Macron và bộ máy gồm những “quái kiệt” này cho người Pháp cũng như cả thế giới thấy mô hình chính trị mới này thực sự có thể vận hành./.Những gương mặt giữ vị trí chủ chốt trong Nội các mới của Pháp