Nhằm đối phó với việc Nga hỗ trợ phe đối lập ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nước đồng minh châu Âu đang lên kế hoạch bố trí ít nhất 4.000 binh sĩ và các trang thiết bị quân sự ở Đông Âu nhằm đảm bảo những cam kết về an ninh với các thành viên NATO có biên giới chung với Nga.

778817c3a5b69f225e0f6a706700510e_gfth.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Estonia Toomas Hendrik ngày 3/9 (Ảnh AP)

Cuộc xung đột hàng tháng trời ở Ukraine diễn ra vào thời điểm các thành viên của liên minh NATO đang cắt giảm chi tiêu cho quân sự và đánh giá lại vai trò của tổ chức này sau nhiều năm hòa bình ở châu Âu.

Trong khi Ukraine không phải là một thành viên của NATO, nhiều quốc gia trong liên minh ở Đông và Trung Âu đang lo ngại rằng mình sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga và đòi hỏi NATO cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn.

“Tình hình hiện nay cho thấy các nguyên tắc bảo vệ lãnh thổ tập thể sẽ không được dỡ bỏ mà cần phải duy trì”, Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves tuyên bố ngày 31/8, nhân ngày đánh dấu 20 năm binh sĩ Nga rời khỏi Estonia.

Các quan chức quân sự Ukraine cho biết họ đã phát hiện quân đội Nga có mặt tại 2 thành phố mà quân đối lập đang kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận việc quân đội nước này đang xâm nhập Ukraine.

Tổng thống Mỹ Barack Obama  cảnh bảo rằng Mỹ và châu Âu sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính mạnh mẽ hơn với Nga nhưng ông vẫn kiên quyết phản đối việc can thiệp bằng biện pháp quân sự.

Tuy nhiên, Mỹ khả năng sẽ cử một lực lượng phản ứng nhanh sang châu Âu nếu như NATO chấp thuận trong tuần này. Chi tiết của chiến dịch này sẽ được các nhà lãnh đạo NATO thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra 2 ngày bắt đầu từ ngày 4/9 tại Xứ Wales.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết chiến dịch này sẽ liên quan tới kế hoạch đào tạo và triển khai quân sự ở vùng Baltic, Ba Lan, Romania và các nước Đông Âu khác.

Mức độ đóng góp của Mỹ trong kế hoạch này là điều đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu.

“Điều khiến các nước vùng Baltic thực sự tin tưởng vào NATO là sự cam kết của nước Mỹ”,Kathleen Hicks, một cựu quan chức Lầu Năm Góc kiêm người đứng đầu chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. “Vì vậy, họ sẽ ủng hộ một lực lượng quân sự NATO mang đậm dấu ấn của người Mỹ trong đó”.

Nước Mỹ từ lâu đã gửi các lực lượng phản ứng nhanh cho NATO. Từ ngày 1/10/2014, khoảng 600 binh sĩ từ Lữ đoàn 1, sư đoàn Kỵ binh 1 sẽ được huy động tới các quốc gia châu Âu.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO sẽ kêu gọi các đồng minh cam kết đóng góp ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Hiện nay, chỉ có 4 nước thành viên NATO đạt được yêu cầu này là: Mỹ, Anh, Hy Lạp và Estonia.

Ông Obama cũng sẽ phải giải quyết một số rạn nứt trong nội bộ liên minh trong việc đối phó với Nga. Bất chấp các căng thẳng với Nga, Pháp vẫn đang xúc tiến kế hoạch gửi tàu chiến cho Nga khiến Mỹ và Anh lên án mạnh mẽ.

Với chuyến thăm Estonia lần này, ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ thứ 2 đến thăm các quốc gia Baltic sau khi Tổng thống George W. Bush tới đây vào năm 2006.

Tổng thống Obama sẽ gặp các quan chức Estonia, sau đó sẽ thảo luận về vấn đề an ninh với các nhà lãnh đạo khác của các quốc gia vùng Baltic như Latvia và Litva.

Ngoài cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận về cuộc chiến tranh Afghanistan và cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Ngay trước khi Tổng thống Obama khởi hành đến Estonia, một đoạn băng quay cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ thứ 2 Steven Sotloff  đã được đăng tải trên Internet./.