Trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có các hành động tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Đông Âu và Baltic, Nga vừa lên tiếng cảnh báo sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: RIA Novosti) |
Đáp lại những lo ngại của NATO về việc Nga tăng cường bố trí lực lượng dọc biên giới với Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 3/4 cho biết, các binh sỹ Nga sẽ trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc diễn tập ở khu vực biên giới.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga có quyền triển khai các hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ của mình và đây là hoạt động bình thường. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng Kazakhstan, Yerlan Idrisov, đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, việc NATO tăng cường hiện diện tại các nước đồng minh ở Đông Âu là vi phạm thỏa thuận cơ bản giữa Nga và NATO.
Ông Lavrov nói: “Về các kế hoạch tăng cường hiện diện của NATO trên lãnh thổ một số nước đồng minh tại Đông Âu, quan điểm của chúng tôi là quan hệ Nga-NATO luôn phải tuân theo những quy tắc nhất định, trong đó bao gồm tuyên bố Rome và thỏa thuận cơ bản của Hội đồng NATO – Nga. Theo đó, không thể có thêm sự hiện diện quân sự nào tại Đông Âu”.
Nga cũng đã tuyên bố sẽ thực thi tất cả các biện pháp chính trị và kỹ thuật - quân sự cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước trước quyết định của NATO tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Đông Âu và Baltic tiếp giáp với Nga.
Cảnh báo trên được Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko đưa ra hôm qua (2/4) sau cuộc họp của các Bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra ở Bỉ. Tại cuộc họp này, NATO quyết định tăng cường khả năng phòng thủ của các nước thành viên, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại biên giới phía Đông như Romania, Ba Lan và các nước vùng Baltic. Ông Grushko cho biết, NATO đã hoàn tất quá trình "khai thác quân sự" tại các nước Đông Âu thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các sân bay, cảng biển.
Đại diện của Nga tại NATO cho biết, NATO quan tâm đến việc duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị với Nga, mặc dù trên thực tế tổ chức này đã tuyên bố tạm ngừng hợp tác với Nga. Đại diện Nga nêu rõ trong lịch sử, chuyện "tạm ngừng hợp tác" cũng thường xảy ra trong quan hệ Nga - NATO. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các bên vẫn mong muốn duy trì các kênh liên lạc bởi Nga và NATO là "những nhân tố chính trị - quân sự quan trọng hàng đầu" trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương./.