Trong chuyến thăm chính thức này, ngoài việc thảo luận về kinh tế thế giới, cuộc chiến chống IS, Tổng thống Obama sẽ thuyết phục cử tri Anh không lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới.      

obama_exvy.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Anh. Ảnh AFP

Chuyến thăm Anh là một phần trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới một số nước Trung Đông và châu Âu để bàn về một loạt điểm nóng liên quan đến cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, chuyến thăm Anh có thêm một nhiệm vụ đầy khó khăn là thuyết phục cử tri Anh ở lại EU. Sáng 21/4, tờ Điện báo của Anh dẫn bình luận của Tổng thống Obama cho rằng, sự hiện diện của Anh tại EU sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của nước này trên thế giới.

Trả lời báo chí Anh trước đó, Tổng thống Obama cũng nhắc đến vai trò cũng như các giá trị của nước Anh trong hệ thống giá trị chung toàn cầu.

“Tôi xin nhắc lại rằng, nước Anh có mặt trong EU cho chúng ta niềm tin lớn hơn về sức mạnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương và là một phần trụ cột được xây dựng sau Thế chiến 2, giúp thế giới an toàn, thịnh vượng hơn.

Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nước Anh tiếp tục có được tầm ảnh hưởng đó vì chúng tôi tin những giá trị đúng đắn mà chúng tôi chia sẻ, không chỉ cho Mỹ, Anh mà cho toàn châu Âu và thế giới”, ông Obama nói.

 Một kịch bản Anh rời EU (gọi tắt là Brexit) không chỉ khiến Mỹ mà nhiều nước lo ngại. Một cuộc khảo sát được truyền thống Pháp đăng tải tuần qua cho thấy, công dân châu Âu lo ngại Brexit nhiều hơn so với công dân Anh.

Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig bày tỏ hi vọng, với mối quan hệ truyền thống đặc biệt Anh-Mỹ, Tổng thống Obama có thể dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các chính khách, người dân Anh ở lại EU.

Với Mỹ, thì mối lo ngại Brexit còn lớn hơn bởi Anh là một đồng minh quan trọng ở châu Âu. Đầu tuần qua, 8 cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ (thuộc cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ) đã kí vào bức thư gửi tờ Thời báo London cảnh báo việc Anh rời EU sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của Anh cũng như đe dọa vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu của nước này.

Mỹ lo ngại, Brexit có thể làm suy yếu phương Tây, gây rối loạn trên thị trường; đồng thời gây mất ổn định của khối 28 nước thành viên EU, khiến Mỹ khó khăn hơn khi giải quyết các vấn đề quốc tế.  

Những quan ngại này của Mỹ sẽ được Tổng thống Obama nêu ra với Thủ tướng Anh David Cameron tại cuộc gặp vào chiều 22/4 ở thủ đô London. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ không trực tiếp kêu gọi cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU vì việc đó chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích ngay trong chính giới Anh.

Phe ủng hộ nước Anh rời EU, trong đó có Thị trưởng London Boris Johnson đã ra lời kêu gọi Tổng thống Mỹ “đứng bên ngoài” cuộc tranh luận đi hay ở lại EU của Anh.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron tin tưởng, chuyến thăm của ông Obama sẽ “tiếp lửa” cho chiến dịch vận động Anh ở lại EU mà ông dẫn đầu. Thăm dò mới đây của báo Người bảo vệ (Anh) cho thấy, tỷ lệ đi bầu của giới trẻ Anh sẽ là yếu tố quyết định giữ Anh ở lại EU.

Do vậy Thủ tướng Anh tin rằng, uy tín của Tổng thống Obama sẽ đủ để thúc đẩy thanh niên Anh tham gia cuộc trưng cầu vào ngày 23/6. Tuy nhiên, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố, quyết định đi hay ở lại EU là vấn đề do người dân Anh quyết định, Tổng thống Obama chỉ nêu quan điểm khi được hỏi và trả lời với tư cách “một người bạn”./.