Thái độ của Anh liên quan đến những đàm phán về việc đi hay ở của nước này trong Liên minh châu Âu được xem là một trong những tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu.

Một bên đang sốt ruột pha chút lo lắng còn một bên thì đang chơi lá bài im lặng. Đó là tình cảnh hiện nay giữa EU và Anh quốc, trong thời điểm mà chủ đề về Brexit - việc đi hay ở của Vương quốc Anh  khỏi liên minh- trở thành một ám ảnh đối với các nhà lãnh đạo của hai phía.

Không thể khiêu vũ Tango mà chỉ có một mình

Một ngày trước khi nguyên thủ các nước EU họp nhau ở Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã không giấu được sự mất kiên nhẫn. “Chúng ta không thể khiêu vũ Tango mà chỉ có một mình” – ông Juncker phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, ám chỉ đến việc các nhà lãnh đạo nước Anh cho đến nay vẫn chưa bày tỏ rõ ràng những yêu sách và quan điểm của họ về Brexit.

Điều mà Brussels chờ đợi bây giờ là một “wishlist”, một danh sách liệt kê những đòi hỏi mà phía Anh đưa ra để đổi lại nước này sẽ ở lại trong Liên minh châu Âu. Đó phải là một danh sách thật “toàn diện, cụ thể, chính xác để đỡ phải mất công đi lại nhiều lần”, như lời một nhà ngoại giao cao cấp ở Brussels.

Với các nhà lãnh đạo EU, thời gian từ giờ cho đến thời điểm mà Thủ tướng Anh, David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về Brexit (trước năm 2017) không còn nhiều. Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn Tổng thống Pháp Francois Hollande đều muốn sớm giải quyết dứt điểm câu chuyện Brexit để có thể tập trung vào những cuộc bầu cử quan trọng ở Đức và Pháp trong năm 2017.

Về mặt thời gian, EU đang ở thế yếu

Đó chính là những gì nằm trong toan tính của Thủ tướng Anh David Cameron. Bằng cách trì hoãn việc đưa ra những lá bài quan trọng nhất của mình, ông Cameron đã là người làm chủ cuộc chơi trước Brussels trong một thời gian tương đối, đặc biệt sau khi đảng cầm quyền của ông chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lập pháp cách đây vài tháng. Tuy nhiên, chiến thuật này có lẽ cũng sắp đến lúc kết thúc. Sự im lặng quá lâu của ông Cameron vô hình chung khiến phe phản đối châu Âu trong nước Anh mạnh lên, kể cả trong nội bộ đảng Bảo thủ. Vì thế, cách đây vài ngày, ông Cameron đã phải từng bước hé lộ những yêu cầu mà London sẽ đưa ra với Brussels nhằm tránh một kịch bản Brexit.

Hé lộ các đòi hỏi của nước Anh

Trên tờ Telegraph, “wishlist này” được hé lộ ở 4 điểm quan trọng. Thứ nhất, London muốn có quy chế ngoại lệ liên quan đến các điều khoản của Hiệp ước Rome vốn hướng tới một “liên minh chặt chẽ hơn”. London muốn nằm ngoài “sự chặt chẽ” này và phản đối mọi dấu hiệu tiến triển của Liên minh đến hình thức liên bang.

Thứ hai, nước Anh muốn EU công nhận một cách chính thức rằng đồng euro không phải là đồng tiền chính thức của Liên minh và phải công nhận “đa dạng tiền tệ”, trong đó có đồng bảng Anh.

Thứ ba, London đòi hỏi rằng Nghị viện quốc gia có quyền bỏ phiếu phủ quyết một văn bản chỉ đạo nào đó của Liên minh mà nghị viện này không hài lòng.

Cuối cùng, chính phủ của ông Cameron muốn tái cấu trúc lại Liên minh để tránh việc 19 nước thành viên của khu vực đồng tiền chung – eurozone, áp đặt các chính sách lên các nước không phải là thành viên eurozone, như nước Anh.

EU cũng có đòi hỏi

Có đi phải có lại. Brussels sốt ruột chờ đợi các yêu sách từ London để sớm có thể bắt đầu đàm phán, theo dự định là vào giữa tháng 12 tới, và đổi lại, các thành viên EU cũng đang lên một danh sách các vấn đề gai góc cần nước Anh giải đáp.

Nổi bật trong các vấn đề này là các “quyền xã hội” của người nhập cư vào nước Anh. Trước làn sóng nhập cư hiện nay, nước Anh đang có xu hướng thắt chặt các quyền lợi của lao động nhập cư, thậm chí theo đề xuất của những nhóm phản đối EU thì người nhập cư không được quyền hưởng các trợ cấp xã hội giống như công dân Anh trong vòng 4 năm đầu đến nước Anh. Những đề xuất như thế này khiến nhiều thành viên EU giận dữ, đặc biệt là các nước phía Đông như Ba Lan, CH Czech hay Hungary… những nước có một lượng kiều dân đông đảo sinh sống và làm việc tại Anh.

Brexit – Kịch bản không mong muốn

Brexit là kịch bản mà châu Âu không muốn xảy ra và theo phân tích của nhiều chuyên gia, cũng là điều mà chính phủ của ông David Cameron muốn tránh. Tuy nhiên, cuộc vận động về việc nước Anh sẽ “in” hay “out” khỏi EU đã chính thức khởi động và tính toán của mỗi bên đều phải rất thận trọng.

Hôm thứ Hai đầu tuần này (12/10), chiến dịch ủng hộ (ủng hộ nước Anh ở lại trong EU) “In” đã bắt đầu, với sự góp mặt của các nhân vật tên tuổi lớn như 3 cựu Thủ tướng Anh, John Major, Tony Blair, Gordon Brown. Ở phía đối diện, phong trào đòi (ra khỏi liên minh) “out” được dẫn đầu bởi thủ lĩnh đảng UKIP là Nigel Farage. Đa số người dân Anh quốc đang có dần nghiêng về việc ủng hộ nước này ở lại trong EU nhưng nếu trong thời gian tới, các con bài mặc cả của ông David Cameron thất bại, rất có thể những điều khó lường sẽ đến./.