Một ngày sau khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa trình Quốc hội dự luật bác bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran hồi giữa tháng 7, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (5/8) cảnh báo lựa chọn thay thế duy nhất cho văn kiện chính là một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: CS Monitor. |
Tại trường Đại học Mỹ (American University) ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã có một bài phát biểu dài, bảo vệ thỏa thuận đạt được hôm 14/7 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Theo ông Obama, nếu Quốc hội tìm cách “giết chết thỏa thuận”, thì cũng tức là “giết chết uy tín của nước Mỹ” và khiến toàn bộ chính quyền Mỹ phải đứng trước một lựa chọn duy nhất, đó là một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.
Ông nhấn mạnh, cảnh báo này không phải là để “khiêu khích” mà là một “thực tế”: “Kịch bản Quốc hội bác bỏ thỏa thuận đạt được tại Vienna (Áo) sẽ khiến toàn bộ chính quyền Mỹ luôn quyết tâm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân phải đứng trước một lựa chọn duy nhất: một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Điều này thật đáng mỉa mai. Như tôi từng nói, hành động quân sự sẽ không thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây không chỉ là suy nghĩ của tôi. Tất cả các nhà phân tích, kể cả các chuyên gia Israel cũng đều cho rằng, hành động quân sự chỉ có thể đẩy lùi chương trình hạt nhân Iran trong nhiều nhất vài năm và không thể so sánh được với những kết quả thỏa thuận vừa đạt được sẽ mang lại.”
Phát biểu của Tổng thống Obama được giới phân tích nhìn nhận là sự mở đầu cho một chiến dịch mới mạnh mẽ hơn của Nhà Trắng nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được, có thể giúp chấm dứt một hồ sơ gây căng thẳng các mối quan hệ quốc tế trong hàng thập kỷ qua.
Trước đó cùng ngày, ông Obama đã có cuộc gặp các lãnh đạo cộng đồng Do thái tại Nhà Trắng, vốn có vai trò tác động không nhỏ đến các lá phiếu ở Quốc hội Mỹ. Trong một phản ứng đầu tiên, Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Prebus đã gọi những phát biểu của ông Obama là đáng xấu hổ.
Theo các nhà phân tích, dù khả năng các nghị sĩ Mỹ ngăn cản thỏa thuận lịch sử chấm dứt 12 năm khủng hoảng ngoại giao quốc tế là rất thấp, song các nghị sĩ vẫn đang trong thời gian thảo luận và một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận vẫn nhiều khả năng sẽ được thông qua trước ngày 17/9.
Dù Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết trong trường hợp Quốc hội thông qua yêu cầu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, thì mọi kịch bản vẫn có thể xảy ra, bởi đặc quyền của Tổng thống không phải là tuyệt đối.
Theo quy định hiến pháp của Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa có thể vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống nếu giành được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ tại Quốc hội, tức là 290 phiếu ủng hộ tại Hạ viện và 67 phiếu tại Thượng viện.
Song khả năng này là rất khó xảy ra, bởi hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã giành được sự ủng hộ quan trọng của các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội.
Có thể thấy, dù đối mặt với nhiều sức ép cả ở trong nước và quốc tế, song với những nỗ lực đang được tiến hành, Tổng thống Obama đã một lần nữa cho thấy quyết tâm bảo vệ đến cùng thành quả đạt được sau một thời gian đàm phán khó khăn và nếu làm được thì điều này sẽ ghi dấu ấn không nhỏ trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ này của Tổng thống Obama./.