Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ tạo ra thay đổi lớn đối với triển vọng nguồn cung và giá dầu của thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, các ngành sản xuất châu Á từ ngành chế tạo máy bay đến ô tô cũng đang được hưởng lợi từ thỏa thuận hạt nhân này.
Ngành dầu khí Iran (Ảnh: Mobtada.com) |
Ngành công nghiệp ôtô của Iran phát triển trong suốt 5 thập kỷ qua và là thị trường lớn nhất ở khu vực Trung Đông. Quốc gia Hồi giáo này đã xuất xưởng 1,6 triệu chiếc xe trong năm 2011 và nhập khoảng hơn 1 triệu chiếc xe trước thời điểm các nước châu Âu bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran do chương trình hạt nhân tranh cãi của nước này. Chính vì vậy, nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, sẽ là một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất phụ tùng cũng như các hãng sản xuất ô tô thế giới.
Theo chuyên gia phân tích thị trường tại London, nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, đây là cơ hội tuyệt vời cho thị trường ô tô châu Á. Những nhãn hiệu nước ngoài với chất lượng tốt sẽ có lợi thế trong cuộc đua này. Hiện các quảng cáo về xe hơi và hàng hóa xa xỉ của châu Âu cũng bắt đầu xuất hiện tại Tehran.
Không chỉ những nhãn hiệu như Toyota và Hyundai được hưởng lợi, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ước tính, thị trường xây dựng của Iran cũng sẽ mở rộng lên đến 154,4 tỷ USD trong năm 2016, so với mức 88,7 tỷ USD của năm 2013.
Hàn Quốc đang tăng cường bán các loại sản phẩm như thép, hóa dầu và máy móc, khi quốc gia Hồi giáo này đang trong quá trình xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Hàn Quốc cũng hi vọng tăng xuất khẩu linh kiện ô tô, điện thoại di động, tủ lạnh và các đồ gia dụng khác đến Iran. Đối tác thương mại lớn nhất của Iran năm ngoái là Trung Quốc, sau đó là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đang muốn tiếp cận với người dân Iran muốn mua hàng hóa nước ngoài.
Đại sứ Iran tại Afghanistan Mohammad Reza Bahrami cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran đang mang lại lợi ích cho toàn khu vực. Ông nói: “Thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 có thể giúp thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Nó cũng có thể rất hữu ích trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Iran và các nước trong khu vực, xa hơn là cuộc chiến xóa bỏ những mối đe dọa cực đoan mà khu vực đang phải đối mặt”.
Không chỉ các nước châu Á được hưởng lợi, lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp nhiều nước châu Âu cũng không bỏ phí thời gian, lập tức tìm cách tiếp cận thị trường Iran được cho là rất có tiềm năng phát triển.
Trong một dấu hiệu cụ thể đầu tiên thể hiện quyết tâm của châu Âu nhanh chóng thúc đẩy xây dựng mối quan hệ kinh tế chính trị với Iran, khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel hôm nay cùng một phái đoán thương mại quy mô lớn đang ở thăm Tehran để thảo luận các cơ hội hợp tác kinh tế.
Tây Ban Nha cũng đã có kế hoạch tương tự nhằm tạo tiền đề cho hoạt động của các doanh nghiệp nước này tại Iran trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, thông tin liên lạc, du lịch và cơ sở hạ tầng.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 15/7 tuyên bố ông sẽ tới Iran trong bối cảnh Pháp tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.
Nga là một đồng minh khá quan trọng của Iran đang dẫn đầu trong cuộc đua này. Mới đây công ty dầu khí Lukoil của Nga cho biết đang mong muốn quay trở lại Iran ngay sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Nhiều công ty dầu khí phương Tây cũng thể hiện mong muốn tương tự.
Cơ quan tình báo kinh tế của Liên minh châu Âu dự đoán, tốc độ tăng trưởng của Iran sẽ tăng lên 5,2% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, so với mức chỉ 2% trong năm nay. Iran hiện là nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới dựa theo tỉ lệ hối đoái trên thị trường, nhưng sẽ vượt lên thứ 22 vào năm 2020, vượt qua Thụy Sĩ, Argentina, Thái Lan…
Theo các chuyên gia kinh tế, sự hấp dẫn của một nền kinh tế lớn, đa dạng như Iran là điều không thể phủ nhận và cuộc đua để giành lợi ích kinh tế từ “miếng bánh béo bở này” sẽ rất khốc liệt./.