Mỹ vừa quyết định cử 200 binh sỹ đến Jordan với thông báo là nhằm tăng cường năng lực cho quân đội nước này.

Bộ trưởng Truyền thông Mohammad Momani giải thích đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa quân đội Jordan và quân đội Mỹ, nhất là trong bối cảnh tình hình xấu đi ở Syria.

jordan1.jpg
Mỹ điều quân tới Jordan (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuk Hagel liên quan tới vấn đề này đã nhấn mạnh: “Các binh sỹ Mỹ sẽ phối hợp với quân đội Jordan để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi “kịch bản” có thể xảy ra ở Syria”.

Đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự can dự quân sự ngày càng lớn của Mỹ vào cuộc nội chiến Syria.

Trong một phát biểu khác, Bộ Quốc phòng Mỹ Hagel cũng đánh giá phương án can thiệp quân sự vào tình hình Syria, nhưng thừa nhận những khó khăn nếu Mỹ có hành động can thiệp trực tiếp. Ông Hagel cho rằng, can thiệp quân sự là một lựa chọn, nhưng đó chỉ là một lựa chọn cuối  cùng. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey tuyên bố, Mỹ có thể cử binh sỹ đến Syria để bảo vệ an toàn cho kho vũ khí hoá học, trong trường hợp quyền lực rơi vào tay phe đối lập.

Về vấn đề cấp vũ khí cho phe đối lập, chính quyền Tổng thống Obama cũng chưa đưa ra quyết định nào vì một số phe nhóm trong lực lượng đối lập Syria đang có xu hướng cực đoan hóa. Tuy vậy, trước thềm Hội nghị Những người bạn Syria sắp diễn ra tại Thổ Nhĩ Kì vào ngày 20/4 tới, Thủ tướng tự xưng của phe đối lập Ghassan Hitto vẫn kêu gọi phương Tây cấp hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho phe đối lập.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Syria vào chiều 17/4, Tổng thống Syria, al-Assad đã buộc tội phương Tây ủng hộ các phần tử al-Qaeda tại Syria, đồng thời cảnh báo Mỹ và Châu Âu sẽ phải hối hận vì đã ủng hộ phe đối lập: “Trước đây họ hậu thuẫn cho An Kêđa tại Apganixtan và sau đó đã phải trả giá đắt. Nay họ hỗ trợ cho khủng bố ở Syria, Lybia và những nơi khác nữa và chắc chắn họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn, đó là khủng bố sẽ quay súng ngược trở lại tấn công vào lòng châu Âu và nước Mỹ.”

Một động thái đáng lo ngại khác có thể cản trở tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria là đặc phái viên đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, Brahimi muốn xem xét lại vai trò của mình và không muốn làm trung gian cho Liên đoàn Arab. Ông Brahimi cho rằng việc Liên đoàn Arab công nhận phe đối lập Syria là việc làm gây xói mòn vai trò đặc phái viên trung lập của ông.

Trong khi đó, Tổng thư kí LHQ khẳng định, vẫn muốn giữ ông Brahimi tiếp làm trung gian cho Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab. Những tháng gần đây cũng có tin đồn ông Brahimi sẵn sàng từ chức do không còn kiên nhãn trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bất đồng, không thể đưa ra quyết định nào có thể tác động lên tình hình Syria, khiến nội chiến Syria kéo dài trong bế tắc./.