Cuộc nội chiến Syria, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là những nội dung chính tại hội nghị các ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) khai mạc ngày hôm qua (10/4) tại London, Anh.

Trong ngày họp đầu tiên bắt đầu từ đêm qua (theo giờ Việt Nam),  Ngoại trưởng Nhóm các nước phát triển G8 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Nga) đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin BBC của Anh dẫn nguồn tin ngoại giao Anh cho biết, các ngoại trưởng đã nhất trí rằng các đe dọa chiến tranh của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và việc nước này đang chuẩn bị cho các vụ thử nghiệm tên lửa mới đã gia tăng lên mức kích động nguy hiểm. Tuy nhiên, các nước thuộc nhóm G8 cũng đồng thời kêu gọi các bên theo đuổi con đường ngoại giao để làm dịu tình hình căng thẳng ở Đông Bắc Á.

Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G8, ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, Nga không có bất cứ sự khác biệt nào về quan điểm với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Lavrov mong đợi Mỹ sẽ lắng nghe ý kiến của Moscow trong vấn đề này, rằng cần tránh biến những hành động gần đây của Bình Nhưỡng thành cái cớ để tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực Đông - Bắc Á, cũng như thành cái cớ để thay đổi cán cân quân sự trong khu vực, bởi điều này rất nguy hiểm đối với sự ổn định trong khu vực nói riêng cũng như trên toàn cầu nói chung.

Ông Lavrov nhấn mạnh mục tiêu chung của các bên là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và hiện vẫn còn cơ hội nối lại lại đàm phán 6 bên (giữa Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên). Trong mọi trường hợp, Nga và Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện nay.

Ngoại trưởng Anh Hague cho rằng, giống Iran, Triều Tiên có thể lựa chọn tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế gia tăng.

Nhật Bản – một thành viên của G8 mong đợi hội nghị sẽ ra thông cáo mạnh mẽ với ý kiến thống nhất của 8 thành viên về vấn đề này. Triều Tiên trước đó đã đưa ra những lời đe dọa sẽ tấn công quân sự nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực.

Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, tình hình Syria cũng đang được các nước G8 đặc biệt quan tâm. Hiện giữa các nước G8 vẫn chưa thống nhất được quan điểm về một giải pháp hòa bình cho quốc gia Trung Đông này, đặc biệt sau khi phe đối lập đã dựng lên một chính phủ lâm thời chưa được hầu hết các nước G8 công nhận. Tranh cãi lớn nhất hiện nay giữa các nước lớn vẫn là nên hay không nên cấp vũ khí cho phe đối lập Syria. Ngay bản thân Mỹ cũng chưa chắc chắn về các biện pháp hỗ trợ cho phe đối lập. Anh và Pháp muốn tiếp tục thúc đẩy cho việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, nhằm cho phép chuyên chở vũ khí cho phe đối lập, song số nước thành viên của Liên minh châu Âu lo ngại vũ khí ồ ạt đưa đến Syria chỉ làm cho cuộc khủng hoảng thêm xấu hơn, và có thể khiến vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan.

Sự phản đối của Nga cùng những bằng chứng mới đây về sự liên hệ giữa một số phe nhóm đối lập Syria với mạng lưới al-Qaeda khiến phương Tây “chùn tay” trong ý định cấp vũ khí cho phe đối lập.

 Dự kiến, ngoại trưởng các nước Mỹ Anh và Pháp sẽ có cuộc gặp với đại diện phe đối lập Syria bên lề Hội nghị London vào tối nay (theo giờ Việt Nam)./.