Cuộc thảo luận giữa Liên Hợp Quốc và chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vụ điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria bị lâm vào ngõ cụt. Trong vài tuần qua, hai bên đã gửi thư cho nhau để trao đổi về hướng điều tra nhưng vẫn tồn tại bất đồng.

tin-syria.jpg
Một phiến quân Syria tuần tra ở huyện Sheikh Maqsud thuộc thành phố Aleppo, Syria ngày 11/4 (Ảnh: Reuters)

Các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết, các nước phương Tây có bằng chứng rõ ràng về việc vũ khí hóa học đã từng được sử dụng ít nhất một lần trong các cuộc xung đột tại Syria.

Theo các hãng tin nước ngoài, phát biểu trước báo chí, một quan chức Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nêu rõ, có nhiều bằng chứng "khá thuyết phục" về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Theo nguồn tin này, các bằng chứng này hiện đã được trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Còn trong một phát biểu mới đây, ông Ban Ki-moon cho biết, nhóm điều tra đang ở Cộng hòa Síp và sẵn sàng đến Syria.

“Phái bộ điều tra của Liên Hợp Quốc đang sẵn sàng để triển khai tại Syria. Tất cả các thỏa thuận về kỹ thuật và hậu cần đã được chuẩn bị. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của tôi về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Bây giờ chúng ta chỉ còn chờ đợi sự chấp thuận của chính phủ Syria cho việc điều tra để xác định xem vũ khí hóa học đã được sử dụng tại các địa điểm nào ở Syria”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Trong khi đó, Syria đề nghị Liên Hợp Quốc chỉ điều tra những gì mà chính quyền này cáo buộc phe đối lập sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công gần Aleppo vào tháng trước. Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói rằng, “Syria không thể chấp nhận các hoạt động đó theo đề xuất của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, sau khi xét đến vai trò tiêu cực của một phái bộ như vậy ở Iraq, vốn dọn đường cho cuộc xâm lược của Mỹ” năm 2003.

Bộ Ngoại giao Syri cũng bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc ông Ban Ki-moon “nhượng bộ trước sức ép của những nước ủng hộ cuộc xung đột” ở Syria - ám chỉ các nước hậu thuẫn cuộc nổi dậy kéo dài 2 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, lực lượng đối lập cáo buộc quân chính phủ sử dụng vũ khí hóa học và kêu gọi Liên Hợp Quốc mở một cuộc "điều tra quốc tế đầy đủ" về các vụ tấn công. Hiện nay, phe đối lập và chính phủ Syria đang đổ lỗi cho nhau trong ba vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học, gồm 1 vụ ở gần Aleppo, 1 vụ gần Damascus và 1 vụ khác diễn ra tại Homs.

Khi bất đồng về việc điều tra vũ khí hóa học tại Syria vẫn chưa ngã ngũ thì bạo lực vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Syria. Theo Cơ quan Giám sát nhân quyền tại Syria, riêng ngày 11/4, các vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 69 người, trong đó có 27 dân thường. Trước đó một ngày, quân chính phủ đã giao tranh với nhóm tay súng ở tỉnh miền Nam Daraa và tiêu diệt nhiều phần tử. Cùng ngày, một máy bay chiến đấu của Syria cũng đã tiến hành không kích tại thị trấn Sarjal Ajram ở miền Đông Bắc Lebanon giáp giới với Syria, song không gây thương vong.

Trong lúc này, chính phủ Syria kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa nhóm thánh chiến Mặt trận al-Nusra vào danh sách các tổ chức khủng bố. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi nhánh al-Qaeda tại Iraq tuyên bố al-Nusra là một phần của mạng lưới này và hai nhóm sẽ hoạt động dưới tên chung là "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và khu vực Levant (Tây Á)". Thủ lĩnh của al-Nusra sau đó cũng thừa nhận có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Phía Nga cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ phe đối lập tại Syria có quan hệ với các nhóm khủng bố quốc tế. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, nguy cơ này là khá rõ nét và mạng lưới al-Qaeda cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan khác có âm mưu biến Syria trở thành "trung tâm đầu não" cho các hoạt động khủng bố tại Trung Đông./.